Trái ngọt từ đam mê tự học

GD&TĐ - Vũ Bùi Đình Tùng, học sinh lớp 11 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng vừa xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Tự hào Việt Nam”.

Tùng là học sinh chuyên Toán nhưng rất giỏi các môn xã hội.
Tùng là học sinh chuyên Toán nhưng rất giỏi các môn xã hội.

Tùng cũng là 1 trong 4 thí sinh sẽ có mặt trong cuộc thi Chung kết, Đường lên đỉnh Olympia 2022. Có được thành tích trên, Tùng cho rằng: “Em luôn đam mê tìm tòi tri thức bằng khả năng tự học”.

Học giỏi toàn diện

Giành nhiều giải cao ở bậc THCS, Tùng được tuyển thẳng vào Trường THPT Kiến An. Tuy trường gần nhà nhưng Vũ Bùi Đình Tùng đã quyết định và thuyết phục ba mẹ cho vượt đường xa hơn 10km sang theo học tại Trường THPT chuyên Trần Phú. Em nung nấu ước mơ sẽ ghi danh tại bảng vàng thành tích của nhà trường với các giải quốc gia, quốc tế.

Là học sinh chuyên Toán, nhưng Tùng học toàn diện các môn. Đặc biệt em viết văn rất hay và đam mê tìm hiểu kiến thức lịch sử. Quá trình theo học tại Trường THPT chuyên Trần Phú, Tùng đã tự đánh giá khả năng bản thân, điều kiện gia đình và tham khảo các cuộc thi, em quyết định đầu tư kiến thức tham gia các cuộc thi tìm hiểu về văn hoá, lịch sử dân tộc. Được đặt chân đến trường quay S9, tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia cũng là ước mơ mà em nung nấu từ lâu.

Xác định được mục tiêu của bản thân và thực hiện ước nguyện của ông nội, từ lớp 10, Tùng tập trung tự ôn tập và đăng ký Đường lên đỉnh Olympia. Quá trình thi Olympia, Tùng còn tham gia và giành giải Nhất cấp thành phố cuộc thi “Tự hào Việt Nam” - tìm hiểu kiến thức về lịch sử, văn hoá dân tộc do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức.

Chị Bùi Thị Mơ (mẹ Tùng) chia sẻ: Từ lúc nhỏ, Tùng  đã tỏ ra là cậu bé thông minh, hiếu học. Khi đi đâu, quan sát thấy điều gì con cũng hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tại sao thế này, sao lại như thế…?”. Những lúc như thế chị thường giải thích cho con, từ đó con hay hỏi và tương tác với mẹ những gì con thấy.

Gian học tập của Tùng lưu giữ nhiều giấy khen, kỷ niệm chương của các cuộc thi.
Gian học tập của Tùng lưu giữ nhiều giấy khen, kỷ niệm chương của các cuộc thi.

Ngay từ khi Tùng bước vào bậc tiểu học, chị Mơ đã theo sát quá trình học tập của con. Chị tạo thói quen học tập cho con mỗi buổi tối. Sau bữa cơm gia đình, nghỉ ngơi một chút, 2 mẹ con cùng nhau lên học bài. Chị thường cho con học lại những kiến thức trong SGK mà trên lớp cô đã dạy và làm bài tập. Cả thời gian con trai học tiểu học, chị Mơ không cho con học thêm.

Vốn là giáo viên dạy lịch sử, do hoàn cảnh gia đình, chồng hay công tác vắng nhà, nên chị Mơ đã quyết định chuyển ra làm bên ngoài để có thời gian chăm sóc con nhiều hơn. Chính vì có phương pháp sư phạm và rất yêu nghề nên chị thường truyền lửa đam mê môn học xã hội cho con, nhất là môn Lịch sử.

Chị Mơ kể: Con viết văn mẹ đều hướng dẫn cách làm, sau khi con tự làm bài, chị sẽ sửa câu từ cho con. Đồng thời mua sách về cho con trai tham khảo, kiến thức văn học của con ngày càng sâu sắc, Tùng viết văn rất cảm xúc.

Mong muốn con trai là người sống tình cảm chị Mơ thường kể cho con nghe về các sự kiện lịch sử, hình ảnh những người chiến sĩ, anh hùng dân tộc. Những lúc rảnh, chị cùng con xem các phim tư liệu lịch sử, Tùng tỏ ra thích thú và đam mê học hỏi.

Tùng chia sẻ: Với em môn học nào cũng thú vị và mang lại những hiểu biết cho em. Môn Ngữ văn giúp em có ngôn ngữ phong phú để viết hay hơn, tự tin thuyết trình trước mọi người. Lịch sử đem đến những trải nghiệm về lịch sử dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông. Các môn khoa học tự nhiên giúp em biết cách tính toán chính xác, hiểu về các sự vật, hiện tượng xung quanh mình.

Tùng cùng ba mẹ trong ngôi nhà ấm áp và hạnh phúc.
Tùng cùng ba mẹ trong ngôi nhà ấm áp và hạnh phúc.

Đề cao tinh thần tự học

Tùng bày tỏ: “Em quyết tâm thi Đường lên đỉnh Olympia vì muốn thực hiện ước nguyện của ông nội trước lúc ông đi xa. Ông nói, ông sẽ rất tự hào khi được thấy cháu trai của ông giành chiến thắng trong cuộc thi này. Đó là động lực để em cố gắng”.

Khi xác định hướng đi cho mình, Tùng sắp xếp thời gian học tập trên trường và thời gian ôn thi. Em tự tìm hiểu về thể lệ cuộc thi, tham khảo từ các anh chị đi trước và nghiên cứu qua sách báo.

“Em tự ôn luyện qua các tài liệu như Bách khoa toàn thư, sách nâng cao, sách bài tập. Bên cạnh đó em khai thác tối đa kiến thức trong SGK của bậc THCS và THPT để có cái nhìn bao quát. Ngoài ra, em mở rộng các kiến thức xã hội bằng cách xem thời sự, đọc báo, học hỏi từ mọi người xung quanh. Sau khi học xong, em dùng CNTT xây dựng câu hỏi, nhập fom đề thi sẵn, sau đó tự làm và tự kiểm tra lại. Cách làm này giúp em khắc sâu kiến thức”, Tùng chia sẻ.

Bí quyết học giỏi toàn diện các môn của Tùng là xây dựng kế hoạch học tập, hệ thống hoá kiến thức môn học rõ ràng. Chẳng hạn như với môn Lịch sử, em xây dựng hệ thống biên niên sử, ghi nhớ theo mốc thời gian của sự kiện, đọc, xem nhiều tài liệu liên quan để khắc sâu kiến thức.

Nói về Cuộc thi “Tự hào Việt Nam”, Tùng cho biết, ngoài vốn kiến thức về lịch sử Tùng phải nghiên cứu rất kỹ về một số văn kiện của Đảng. Để nắm chắc kiến thức, em đã xem lại các bản tin thời sự phát toàn bộ nội dung liên quan, sau đó, em sẽ tải tài liệu trên mạng, tiếp tục nghiên cứu và nắm vững các từ khóa quan trọng.

Thầy Đoàn Thái Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú nhận xét, Vũ Bùi Đình Tùng không chỉ là học trò giỏi toàn diện mà em còn là một lớp trưởng năng động. Với thành tích đội tuyển quốc gia, các đội tuyển khác và em Tùng mang sẽ là động lực để thầy trò nhà trường cùng nỗ lực trong những năm tiếp theo.

Đình Tùng cho biết: Để chuẩn bị cho cuộc thi Chung kết Đường lên đỉnh Olympia sắp tới, em sẽ học các bộ môn KHTN trong 2 tháng, các môn KHXH cũng tương tự. Sau đó là thời gian cho việc học ngoại ngữ và thống kê kiến thức. Nếu là quán quân điều em nghĩ đến đầu tiên là cảm ơn ba mẹ, cảm ơn thầy cô và các bạn đã ủng hộ và cổ vũ cho em. Em sẽ theo học trong nước và góp sức mình cho sự phát triển của nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.