Trải nghiệm thú vị phiên bản 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' 2024

GD&TĐ - Dù trời mưa, lạnh nhưng rạp Công nhân (Tràng Tiền, Hà Nội) vẫn kín chỗ trong ba đêm công diễn vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt', phiên bản 2024.

Ba đêm công diễn 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản 2024, rạp Công nhân kín chỗ. Ảnh: Bình Thanh.
Ba đêm công diễn 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản 2024, rạp Công nhân kín chỗ. Ảnh: Bình Thanh.

Dù trời mưa, lạnh nhưng rạp Công nhân (Tràng Tiền, Hà Nội) vẫn kín chỗ trong ba đêm công diễn vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, phiên bản 2024. Đáp lại, ê-kíp sáng tạo đã đem đến cho khán giả yêu kịch không ít trải nghiệm thú vị.

Thấm từng lời kịch

Được dàn dựng bởi đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama, vở kịch có những thay đổi nhất định về bối cảnh, nhân vật nhưng bố cục và lời thoại thì gần như không đổi.

Vì thế, khán giả từng đắm mình với “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” trong những bản diễn trước đó, điển hình là các bản dựng của Nhà hát Kịch Việt Nam năm 1990 – đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi, năm 2013 – đạo diễn, NSƯT Tú Mai (phục dựng); bản dựng năm 2013 cho kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ…, thêm một lần nữa tiếp tục được thấm từng lời kịch mà tác giả Lưu Quang Vũ hoàn thành cách đây 4 thập kỷ (1984) nhưng vẫn tươi ròng hơi thở của hôm qua – hôm nay và mai sau.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản 2024 có lẽ là vở diễn “mở hàng” cho sàn diễn sân khấu kịch 2024 ở Hà Nội. Và thật thú vị khi sự “mở hàng” cháy vé cả 3 đêm công diễn này đến từ một dự án độc lập của Se sẽ chứ (Ơ kìa Hà Nội) chứ không phải của một đơn vị nghệ thuật công lập.

Thêm nữa, dường như đây là vở kịch đầu tiên có giám đốc sản xuất nhưng thuộc về đạo diễn phim điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp.

Cuộc đối thoại trên thiên đình giữa Nam Tào - Bắc Đẩu được mở ra đầu tiên, vẫn là cái dí dỏm theo kiểu người tung kẻ hứng, từ đó lật ra không ít điều về cõi giời không hẳn là những lung linh, huyền diệu mà cũng… “như cái chợ”, quanh đi quẩn lại là những tẻ nhạt, nhàm chán đâm ra “tù túng, gò bó”.

Bởi thế mà Nam Tào có ý định xuống hạ giới nhưng Bắc Đẩu thì gàn lại, vì hiểu rằng: “Mình đã quen cảnh nhàn, oai vệ rồi, sa xuống hạ giới lầm lụi, đầu tro mặt muội, mình chịu sao nổi? Ở đây, chẳng gì cũng là giời!”.

Rồi thì, cái nếp làm việc tắc trách: “Làm ào cho xong sớm, rồi nghỉ sớm. Trưa nay bên dinh Thái thượng có tiệc đấy!…”; “Thì ta làm đại khái…” khiến ông Trương Ba chết oan. Và những chuyện này trong đời thường ta vẫn gặp đâu đó…

Từ khúc dạo đầu ấy, vở diễn dẫn dắt khán giả bước vào câu chuyện về ông Trương Ba chết bất đắc kỳ tử để rồi vợ ông vô tình thắp 3 nén hương của tiên cờ Đế Thích mà giông thẳng lên thiên đình, bà liền đòi lại sự tái sinh cho chồng.

Để sửa sai cho sự thiếu trách nhiệm của Nam Tào, Bắc Đẩu, Đế Thích đã làm phép để hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới mất. Những tưởng sự tái sinh này sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người nhưng cuối cùng lại là chuỗi bi hài kịch với những lời thoại sắc lẹm.

Đó là một Hồn Trương Ba hồn hậu, thiện lành dần đổi thay trong thân xác anh hàng thịt kềnh càng, thô lỗ. Những niềm vui ban đầu khi hồn Trương Ba được sống lại nhờ vào thân xác anh hàng thịt cùng lời thú nhận: “Ai bảo không sợ chết, là nói khoác, chứ tôi, tôi sợ lắm!” và “Sống, thật là lý thú” khi được “…đi lại, làm lụng, trông thấy Mặt trời, được ăn những trái cây trong vườn, ngửi mùi hoa ngâu hoa lý trước thềm, uống nước chè tươi bà nấu...”, dần trôi đi để đối diện với những mâu thuẫn giữa thể xác và tâm hồn sau hàng loạt va đập với thực tế cuộc sống và nhu cầu cá nhân.

Họ là bà Trương Ba, cô con dâu, cái Gái; là vợ anh hàng thịt, anh con Cả, người có chức, có quyền… Tốt xấu đều đủ cả, cứ bóc dần, bóc dần cái phiên bản mới của hồn Trương Ba đang nhuốm màu sắc khác, để phản biện lại cái nhận định vốn được cho là chân lý: “Phần hồn mới là phần chủ chốt của con người...”; xác “là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết”.

Đó cũng là cơ sở để hồn Trương Ba thức tỉnh và có những đối thoại bùng nổ với xác anh hàng thịt, với tiên cờ Đế Thích. Hàng loạt những phản tư về đời sống xã hội một cách sâu sắc, thấu đáo và nhân văn được Lưu Quang Vũ đưa ra ở đây.

Xác anh hàng thịt dám vạch trần sự thực với hồn Trương Ba: “Hai ta đã hòa với nhau làm một rồi!”, “Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!”, “Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác...”; “Tôi thông cảm với những “trò chơi tâm hồn của ông”… Tôi biết: Cần phải để cho tính tự ái của ông được ve vuốt. Tâm hồn là thứ lắm sĩ diện…”.

Khi đối thoại với Đế Thích, hồn Trương Ba quả quyết: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. “Bà chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì bà chẳng cần biết”.

Dẫu Đế Thích phản biện: “Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư?”, nhưng hồn Trương Ba vẫn đề nghị cho hồn anh hàng thịt nhập trở lại xác anh ta dù “tầm thường, nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta, chúng sinh ra là để sống với nhau”.

Mỗi vở kịch, Lưu Quang Vũ luôn phản biện sắc sảo, mạnh mẽ với hiện thực cuộc sống như thế nhưng không phải để bôi đen hay phủ thêm mây mù mà là bật ra những niềm tin để cùng chặt cành sâu, nhổ cây chết rồi gieo hạt mới khỏe mạnh vun trồng cuộc sống thêm xanh tươi.

“Tôi đến để nghe kịch Lưu Quang Vũ. Chỉ cần nghe từng lời thoại nguyên bản, nhiều lần mà thành thuộc đã thấy mê lắm rồi. Nghe câu thoại kiểu như: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa. Hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác...”, làm tôi tỉnh cả người”, chị Bích Hà (Nam Từ Liêm) bày tỏ sau buổi thưởng thức đêm diễn đầu tiên của “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” 2024.

Vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản 2024 được khoác tấm áo mới. Ảnh: Bình Thanh.

Vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản 2024 được khoác tấm áo mới. Ảnh: Bình Thanh.

Vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản 2024 quen mà lạ. Ảnh: Bình Thanh.

Vở kịch 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' phiên bản 2024 quen mà lạ. Ảnh: Bình Thanh.

Quen mà lạ

Phiên bản 2024 của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” thực ra vừa quen, vừa lạ. Quen khi kịch bản văn học gần như được giữ nguyên, nhất là lời thoại nhưng lại lạ trước một không gian sáng tạo tối giản có 2 màu sắc chủ đạo: Trắng – đen; những bộ trang phục là vest, váy; âm nhạc chỉ từ một cây guitar; một bà Đế Thích xinh đẹp, các cô tiên diện váy ngắn màu đen; Nam Tào và Bắc Đẩu đội những cái mũ liên tưởng đến đầu trâu, mặt ngựa… và cái kết có chút ít thay đổi…

Tấm áo mới này của vở kịch được đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama khoác lên với quan điểm: “Cái mà tôi thay đổi không phải là nội dung của kịch bản mà là thay đổi về nhân vật, có người là nam thì thành nữ, một diễn viên diễn nhiều vai.

Ngoài ra, trong tác phẩm gốc có nhiều chi tiết đời thường, tôi cố gắng loại bỏ rất nhiều để sử dụng yếu tố trừu tượng cũng như tăng tính toàn cầu của vở diễn hơn là yếu tố bản địa. Mục đích là để thế giới biết được ở Việt Nam cũng có nhà soạn kịch nổi tiếng”.

Bản dựng của đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'. Ảnh: Bình Thanh

Bản dựng của đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama cho 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'. Ảnh: Bình Thanh

Thực ra, nếu ai đã từng xem vở kịch “Chim hải âu” (tác giả Chekhov) mà vị đạo diễn này dàn dựng và công diễn tại Việt Nam trong dịp Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội năm 2016 thì vẫn nhận ra nét gần gũi giữa 2 tác phẩm.

Thậm chí, phiên bản “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” 2024 khá đậm đà phong vị của kịch Nhật Bản, từ không gian đến cách biểu đạt, sự chuyển động.

Dù tính ước lệ, khoa trương của sân khấu cổ truyền Việt Nam được khai thác kỹ ở đài từ, cử chỉ, hành động từng nhân vật song len vào đó còn có những tả thực khá trần trụi, kiểu như mang cả bàn thịt lợn lên sân khấu, Nam Tào rút đầu hình nộm vẩy chút nước đỏ ra để biểu đạt việc gạch tên Trương Ba; người có chức có quyền không chỉ bôi mà còn ngậm dung dịch đỏ và phun; khi thoát khỏi xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba mang dây dài thòng lọng; cô con dâu cầm cả xô nước lạnh hất vào mặt hồn Trương Ba… Những tả thực này có thể đem lại cảm giác mạnh, đôi khi làm khán giả giật mình nhưng không hẳn được đồng cảm, thậm chí còn là điểm trừ khi chưa thể đem lại hiệu ứng tích cực cho vở diễn vì có phần bạo lực, tạo cảm giác ghê rợn.

Trong khi đó, nhiều lớp diễn khai thác ngôn ngữ ước lệ biểu cảm và được nghệ sĩ thể hiện một cách tinh tế như lúc hồn Trương Ba (nghệ sĩ Xuân Tùng) ở bên bà vợ hàng thịt (NSƯT Kim Oanh) hay đoạn ông nghe tiếng cái Gái đâu đó vọng về… vẫn đủ sức đem đến cho khán giả những ấn tượng khó quên. “Màn “sa đà” của hồn Trương Ba với cô vợ anh hàng thịt là màn diễn đặc sắc và vô cùng hợp lý”, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thích thú bày tỏ.

Nhiều người còn dành lời khen cho vai diễn đặc biệt – người kể chuyện bằng guitar với những tiếng bổng - trầm - réo rắt.

“Rồi kiểu gì cũng không thể bỏ qua một người đến tận phút cuối cùng mới ló mặt ra, là người chơi đàn. Riêng âm thanh cho vở này thì quá nể ông đạo diễn luôn. Ông ấy cho một nghệ sĩ chơi duy nhất một nhạc cụ từ đầu đến cuối cứ đứng ở góc sân khấu tối om om, phải nói là tạo ra phần âm thanh quá tài hoa”, nhà văn Đỗ Bích Thúy ghi lại cảm xúc khi thưởng thức vở diễn.

“Ở bất cứ nơi nào, thời đại nào chúng ta cũng sẽ có cảm nhận giống nhau rằng con người dần dần sẽ lãng quên - lãng quên mình sống vì cái gì, điều gì làm cho mình hạnh phúc. Bởi cuộc sống ngày càng bận rộn mà mình quên mất điều đơn giản như thế và dần dần người ta đánh mất cả chính mình, lãng quên cả mối quan hệ với người xung quanh.

Trong một thời đại vẫn có chiến tranh, xung đột thì không phải chỉ lãng quên chính bản thân, người xung quanh mà còn quên cả thiên nhiên xung quanh. Đây là tính toàn cầu của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đề cập tới và ở bất cứ nơi nào, thời đại nào cũng có thể chia sẻ” - Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ