Hồn Trương Ba phải day dứt, khốn cùng trong cái xác của anh hàng thịt. Khi sống nhờ vào thân xác của người khác, hồn Trương Ba phải gặp nhiều vấn đề rắc rối và éo le, phải đấu tranh gay gắt với những đòi hỏi của thể xác. Khi không tìm thấy được sự bình yên khi phải sống “bên trong một đàng, bên ngoài một nẻo”, khi bị người thân xa lánh, không được thừa nhận, không được sẻ chia, hồn Trương Ba đã chọn cái chết vĩnh viễn để bảo toàn nhân cách.
Cảnh VII và đoạn kết của vở kịch được xem là cao trào của bi kịch với sự cô đặc và dồn nén những mâu thuẫn giằng xé bên trong nội tâm của nhân vật hồn Trương Ba.
Không thể sống “trong một đằng, ngoài một nẻo”
Trương Ba chết do sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu. Đế Thích đã sửa sai bằng việc cho Trương Ba sống lại trong thân xác anh hàng thịt. Trong một thể xác thô phàm, đầy bản năng và nhục dục, hồn Trương Ba dần dần bị tha hóa, biến chất: Hồn thích uống rượu, ăn thịt, nước cờ chơi cũng khác và không còn là người làm vườn chăm chỉ... Hồn Trương Ba phải thỏa hiệp với những đòi hỏi của thứ vật chất và những dục vọng tầm thường của thể xác.
Ý thức được tình cảnh bi kịch của bản thân, hồn Trương Ba muốn thoát khỏi xác “Cái thân thể kềnh càng và thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc”. Hồn Trương Ba phẫn nộ, tức giận khinh bỉ và xem xác thịt “không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u đui mù”. Hồn mặc định xác chỉ là “cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, cảm xúc”.
Trước sự giận dữ của hồn Trương Ba, xác mỉa mai tự đắc “ông không tách khỏi tôi được đâu”. Xác tuyên bố về sức mạnh âm u đui mù mà ghê gớm của mình “xác thịt có tiếng nói đấy... lắm khi lấn át cả linh hồn cao khiết”. Xác nhắc lại những lần hồn bị tha hóa, vấy bẩn bởi dục vọng tầm thường của thân xác, những lúc hồn “xao xuyến, tay chân run rẩy, hơi thở nóng rực”, những món khoái khẩu “tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi” khiến hồn “lâng lâng”. Chính xác đã cho hồn sức mạnh để biến hồn thành kẻ vũ phu “tát thằng con đến tóe máu mồm”... Xác đã cao giọng, khoái chí dồn đuổi, đẩy hồn đến chỗ đuối lý.
Hồn tìm cách để bảo vệ về một đời sống “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn” của mình thì xác lại tìm cách mỉa mai, giễu nhại “khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. Xác chỉ ra “tâm hồn là thứ lắm sĩ diện” thích được vuốt ve chiều chuộng... và khuyên hồn Trương Ba hãy chấp nhận sống chung với thân xác, chịu đựng, quy phục thì nó sẽ chiều chuộng vì “chúng ta tuy hai mà một”.
Cuối cùng, xác đi đến một giải pháp cho sự tồn tại, hòa thuận giữa hồn và xác bằng luật chơi tâm hồn. Nghĩa là hồn cứ nghĩ mình cao khiết thánh thiện chẳng qua vì hoàn cảnh mà phải nhân nhượng xác. Khi làm điều xấu xa cứ việc đổ lỗi cho xác để được thanh thản. Trước đề nghị của xác, linh hồn cho rằng lí lẽ đó thật là ti tiện nhưng không thể bác bỏ nên cuối cùng đành trú ngụ trở lại vào xác hàng thịt trong nỗi tuyệt vọng vô bờ.
Đây là một cuộc đối thoại mang tính ẩn dụ sâu sắc về cuộc đời và con người. “Cuộc vật lộn giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt thực chất là cuộc giao tranh giữa hai linh hồn trong một thể xác” (Phạm Vĩnh Cư). Thể hiện sự vong thân diễn ra ngay chính trong thân thể một con người, Lưu Quang Vũ đã đặt ra được cuộc đấu tranh giữa phần vật chất và tinh thần, nội dung và hình thức, bên trong và bên ngoài, thật và giả, cao thượng và thấp hèn, thanh cao và phàm tục, lý trí và bản năng, thiên thần và ác quỷ, phần thiện và ác... trong mỗi con người.
Hồn tượng trưng cho đời sống tinh thần trong sạch, nhân hậu, khát vọng thanh cao xứng đáng với danh nghĩa con người. Xác là tiếng nói bản năng với những ham mê, dục vọng đời thường. Xác “là cái bình để chứa đựng linh hồn”. Con người luôn tồn tại những mưu cầu về vật chất. Điều này không có gì đáng trách, không có gì đáng xấu hổ. Điều đáng trách là thân xác cố tình lấn át tâm hồn, xui khiến tâm hồn làm những điều xằng bậy, trái với đạo nghĩa.
Giữa nhu cầu vật chất và đời sống tinh thần luôn có mối quan hệ với nhau. Thể xác luôn chịu sự chi phối của tâm hồn. Nhưng tâm hồn cũng chịu sự điều khiển và tác động ghê gớm của thân xác. Hồn Trương Ba được trả lại cuộc sống nhưng là một cuộc sống đáng hổ thẹn bởi nó đang dần bị dung tục hóa, bị hủy hoại, bị tha hóa bởi chính cái xác mà nó đang trú ngụ. Cho nên cuộc đối thoại này xét đến cùng là cuộc đấu tranh giành ưu thế giữa hai bản thể trong cùng một con người, là cuộc vật lộn bên trong mỗi con người để hoàn thiện nhân cách.
Qua cuộc đối thoại giữa hồn và xác, Lưu Quang Vũ còn muốn đối thoại với bạn đọc về những vấn đề của đời sống hiện thực. Linh hồn và thể xác là hai phương diện tồn tại trong mỗi con người. Có thể nào sống mà không cần đến dáng hình thân thể? Nhưng lẽ nào đời sống của con người chỉ thu gọn lại trong những nhu cầu thuần túy bản năng. Không thể nhân danh linh hồn thanh cao mà coi khinh thể xác, cũng không được quá đề cao bản năng mà xúc phạm đến tâm hồn. Một cuộc sống đáng quý là một cuộc sống hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.
Hồn đề cao chính bản thân mình “Ta có đời sống riêng: Trong sạch, nguyên vẹn, thẳng thắn”. Sai lầm của hồn Trương Ba là đã tuyệt đối hóa vai trò của hồn bởi lẽ “con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở nhếch nhác”, thậm chí “khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác”. Hồn Trương Ba được trả lại một cuộc sống dung tục, sai lạc, giày vò về tinh thần bên trong một thể xác thô phàm, bản năng.
Trong cuộc đối thoại đặc biệt này, phần có lý thuộc về thể xác, phần đuối lý, bất lực thuộc về hồn. Ngụ ý này của nhà viết kịch nói lên một sự thật rằng sự lấn át của thể xác, của những mưu cầu vật chất tầm thường với linh hồn. Một tâm hồn tỉnh táo là phải luôn cảnh giác, đấu tranh, chế ngự trước những đòi hỏi của thân xác. Thông điệp lớn nhất của Lưu Quang Vũ qua vở kịch này là cổ vũ cho khát vọng sống thanh cao của linh hồn. Mặt khác, ông còn chỉ ra thái độ cực đoan, phiến diện khi coi thường những mưu cầu về vật chất. Không thể nhân danh linh hồn cao khiết để phỉ báng và nhục mạ thân xác.
Cuộc đối thoại còn cho ta thấy được bi kịch đau đớn của hồn Trương Ba, bi kịch của một con người không còn sống đúng với bản chất tự nhiên của mình, không làm chủ được bản thân mình, không được sống như mình mong muốn và có nguy cơ bị tha hóa. Con người chỉ hạnh phúc khi có sự hài hòa giữa thể xác và linh hồn, và là một bản thể thống nhất, toàn vẹn. Một cuộc sống “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo” tất yếu sẽ nảy sinh những bi kịch.
Không thể sống bằng bất cứ giá nào
Tồn tại như một sinh thể dị hợp, hồn Trương Ba đau khổ vùng vẫy muốn tìm cách thoát xác nhưng không được. Hồn rơi vào bi kịch bị chính những người thân ruồng rẫy, hắt hủi, cô độc ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vợ Trương Ba đòi bỏ đi, cháu gái xem ông như kẻ thù “Ông xấu lắm, ác lắm. Cút đi, lão đồ tể, cút đi”, cô con dâu là người hiểu chuyện nhưng cũng thấy ông không còn như xưa nữa.
Bi kịch lớn nhất của Trương Ba chính là nhận ra sự tồn tại trái khoáy của mình không những đem lại khổ đau cho chính mình, mà còn đem lại khổ đau cho người khác. Ý thức được mình đã thay đổi, hồn Trương Ba đau khổ. Càng đau khổ hơn khi hồn không giải quyết được mâu thuẫn. Bi kịch bị cự tuyệt tình thân là điểm nhấn cuối cùng trong chuỗi xung đột kịch. Hồn Trương Ba quyết không khuất phục xác nữa “Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất chính mình”, “...không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần!”...
Những độc thoại nội tâm đã phơi bày cơn bão tố dữ dội, đau đớn giằng xé trong cuộc đấu tranh giành giật lại bản thân mình trước bàn tay thô bạo của con quỷ bản năng ở nhân vật hồn Trương Ba. Thước đo bản chất bi kịch của hồn Trương Ba nằm ở chỗ: Người ta chỉ bi kịch khi thật sự ý thức được bi kịch của mình.
Hồn Trương Ba kiên quyết chối từ sự sống của mình, không chấp nhận cảnh sống vênh lệch hồn nọ xác kia. “Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt nữa, không thể được”. Đến đây Trương Ba ý thức được một cách dứt khoát “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Đó thật sự là cuộc cách mạng lớn lao trong nhận thức của hồn Trương Ba. “Là tôi toàn vẹn” tức là khi con người sống trong một thể thống nhất, hài hòa giữa thể xác và tâm hồn, khi giữa chúng có tiếng nói chung.
“Là tôi toàn vẹn” là thái độ dám sống trung thực, thẳng thắn với cái tôi của mình, không cần che đậy lấp liếm. “Là tôi toàn vẹn” nghĩa là không sống vay mượn, chắp vá... Cái mong muốn giản dị của con người “là tôi toàn vẹn” nghịch lý thay lại trở thành khát vọng mà để đạt được con người phải trả giá bằng chính sinh mệnh của mình.
Trước khát vọng của hồn Trương Ba, Đế Thích đã có luận điệu bao biện ở đời không ai được sống toàn vẹn cả “cả Ngọc Hoàng, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình cho xứng với danh vị Ngọc Hoàng”. Không dung dưỡng với thái độ bao biện của Đế Thích, hồn đã chỉ ra sai lầm của Đế Thích “ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng biết”.
Với Trương Ba, được sống lại là hạnh phúc. Nhưng sống như thế nào mới quyết định đến hạnh phúc của con người. Hồn Trương Ba đã có những chiêm nghiệm đáng quý “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”. Với hồn, sinh mạng của con người thật đáng quý. Nhưng không thể “phải sống, dù bất cứ giá nào được”. Nếu người ta phải trả giá cho sự tồn tại của mình bằng cước phí tâm hồn thì nhất định không thể sống như vậy được.
Đế Thích tìm cách sửa sai bằng việc cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị. Trước tình huống này, hồn đã có những triết lý thấm đẫm chất thơ về sự sống, về hạnh phúc. Hạnh phúc là được sống đúng là mình “trẻ con phải ra trẻ con, người lớn phải ra người lớn... Mình tôi giữa đám hậu sinh. Tôi sẽ bơ vơ lạc lõng hoặc trở nên thảm hại đáng ghét như kẻ tham lam...”.
Cuối cùng hồn đi đến quyết định “Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn”. Đó là một quyết định đầy cao thượng và dũng cảm. Bằng sự đấu tranh giằng xé dữ dội bên trong mình, hồn Trương Ba cũng đã chiến thắng được nghịch cảnh và bảo toàn nhân cách. Đó là hành trình “chống lại số phận để mình được là mình, để giải thoát mình khỏi mọi mâu thuẫn không nên có. Quyết định của hồn Trương Ba thể hiện một lý tưởng làm người bình dị mà tốt đẹp, cao thượng, không cần phải sống với bất cứ giá nào” (Trần Đình Sử).
Qua vở kịch, Lưu Quang Vũ đã có “một cuộc đối thoại với truyền thống rất thú vị”. Ông đem đến những đúc kết có tính muôn thuở khi ở giữa cõi người: Con người là một thực thể thống nhất và hài hòa giữa cái bên trong và bên ngoài. Đừng chạy theo ma lực âm u đui mù xui khiến của bản năng. Nhưng cũng đừng nghĩ tâm hồn cao quý mà không chăm lo đến thân xác và đời sống vật chất.
Ai cũng nên cần phấn đấu cho hạnh phúc toàn vẹn tuyệt đối của con người. Hồn Trương Ba sẵn sàng chấp nhận cái chết để bảo toàn nhân cách và vươn đến cái tuyệt đối đó. Bằng cái chết của mình, hồn Trương Ba trở nên bất tử. Đó là một nghịch lý nhưng đó cũng là con đường để phục sinh những giá trị nhân văn.