Trải nghiệm sáng tạo theo hình thức sinh hoạt tập thể và lao động công ích

GD&TĐ - Theo TS Trần Văn Tính – Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), hoạt động trải nghiệm sáng tạo có thể tổ chức dưới hình thức sinh hoạt tập thể và lao động công ích.

Giúp học sinh phát triển kỹ năng sống từ hình thức lao động công ích
Giúp học sinh phát triển kỹ năng sống từ hình thức lao động công ích

Đa dạng hóa hình thức sinh hoạt tập thể

Sinh hoạt tập thể là một yếu tố chính để duy trì và phát triển các phong trào và đoàn thể thanh thiếu niên. Sinh hoạt tập thể giúp các em được thư giãn sau những giờ học mệt mỏi với những bài vở, lý thuyết trong nhà trường.

TS Tính cho biết: Sinh hoạt tập thể là hình thức chuyển tải những bài học về đạo đức, nhân bản, luân lý, giá trị… đến với học sinh một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn. 

Chúng ta nên biến những bài học đó thành những bài ca, điệu múa, điệu dân vũ, vở kịch hay trò chơi… để các em được học tập một cách dễ hiểu, gần gũi, thoải mái nhất.

Những hoạt động này không những giúp cho các em tiếp thu bài học một cách thoải mái, tự nhiên, mà còn giúp cho các em được vui chơi, thư giãn.

Sinh hoạt tập thể được tổ chức dưới những hình thức hoạt động như: Ca hát, nhảy múa, vui chơi, dân vũ, vở kịch, múa hát sân trường, khiêu vũ…

* Ca hát: Trong sinh hoạt của các phong trào thanh thiếu niên, ca hát là một hoạt động chủ lực không thể thiếu, vì nó nói lên được sức mạnh, sự đoàn kết, vui tươi và trẻ trung của đoàn thể đó.

Ca hát là giáo dục bằng truyền cảm, là bộc lộ tâm tình của mình bằng ngôn ngữ của âm thanh và nhịp điệu. Nó biểu dương ý chí và tình đồng đội, giải tỏa những buồn chán, ức chế, làm hưng phấn tinh thần, giãi bày tâm trạng của cá nhân hay tập thể, đem lại bầu không khí vui tươi trong sinh hoạt…

Vì ca nhạc mang tính đa diện như hùng tráng, bi thương, vui vẻ, trầm buồn, kích động… tùy theo bài hát cũng như tâm trạng người hát và người nghe. 

Cho nên chỉ cần nghe một số cá nhân hay tập thể hát lên một bài hát, thì chúng ta cũng có thể đánh giá được tâm trạng và “trình độ” sinh hoạt của cá nhân hay tập thể đó.

* Ca múa tập thể: Ca múa tập thể là một trong những sinh hoạt ưa thích của thanh thiếu niên, nó vừa giải trí, vừa vận động, vừa là một phương tiện giáo dục rất hiệu quả.

Ca múa là hình thức bộc lộ tình cảm bằng những cử chỉ và điệu bộ một cách có nghệ thuật, cho nên điệu múa phải đi đôi với lời ca, bổ túc cho nhau, làm nổi bật ý tưởng của lời ca. Phải rập ràng, linh động, uyển chuyển, nhịp nhàng theo tiết tấu nhịp điệu của bài ca.

Ca múa tập thể nghĩa là những điệu múa mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện được như: Múa hát sân trường, dân vũ rửa tay, khiêu vũ tập thể…

Phát triển kỹ năng sống từ lao động công ích

Lao động công ích giúp học sinh hiểu được giá trị của lao động, từ đó để biết trân trọng sức lao động và có ý thức bảo vệ, giữ gìn những công trình công cộng.

Theo TS Tính, lao động công ích là việc cá nhân đóng góp một phần sức lao động của mình để tham gia xây dựng, tu bổ các công trình công cộng vì lợi ích chung của cộng đồng nhằm duy trì, bảo tồn các công trình công cộng cũng như kịp thời phòng chống và khắc phục hậu quả của thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…

Trong nhà trường, lao động công ích được hiểu là sự đóng góp sức lao động của học sinh cho các công trình công cộng của nhà trường hoặc địa phương nơi các em sinh sống.

Thông qua lao động công ích học sinh được rèn luyện các kĩ năng sống như: Kĩ năng hợp tác, kĩ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kĩ năng xác định giá trị, kĩ năng đặt mục tiêu, kĩ năng lập kế hoạch…

Cũng theo TS Tính, các hoạt động công ích học sinh có thể tham gia ở nhà trường và địa phương là:

- Vệ sinh vườn trường, sân trường, lớp học, môi trường xung quanh nhà trường.

- Vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

- Trồng và chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, cây xanh.

- Tu sửa bàn ghế, trường lớp.

- Vệ sinh các công trình công cộng.

- Trồng và chăm sóc cây xanh nơi công cộng

- Đóng góp ngày công lao động với các hoạt động của địa phương như trồng lúa, gặt lúa, trồng rừng, làm các sản phẩm mây tre đan, tham gia vào các làng nghề ở địa phương…

- Chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử, các công trình công cộng, di sản văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ