Sau khi ghi tên trong lịch sử Liên hoan phim Cannes danh giá, “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân (giải Camera vàng vinh danh tác phẩm đầu tay xuất sắc) đã trở lại quê nhà với các suất chiếu dẫu thưa vắng khán giả nhưng đem đến một trải nghiệm khó quên cho người yêu điện ảnh.
4 nhân vật có mối quan hệ gia đình trong tác phẩm này tên là Thiện, Tâm, Hạnh, Đạo. Tâm là anh trai Thiện, chồng của Hạnh, được nhắc tới suốt chiều dài bộ phim, qua lời của nhiều người ở nhiều không gian, song khán giả không hề thấy anh xuất hiện dù chỉ một lần.
Hạnh về với Chúa sau một tai nạn xe máy, hình ảnh duy nhất mà khán giả thấy là di ảnh của cô. Đạo, cậu bé tuổi nhi đồng, con của Tâm và Hạnh được nương nhờ trường học của các sơ. Còn Thiện - nhân vật chính - sau đám tang chị dâu thì lặng lẽ đi tìm anh trai. Cuộc hành trình này đi qua nhiều cung đường, và càng đi càng mất dấu vết.
Thiện – Tâm – Hạnh – Đạo. Bốn con người, bốn số phận. Bốn tên gọi hay bốn phẩm chất, bốn thuộc tính cần hội ngộ trong một bản thể xã hội. Song thực tế, bốn phẩm tính ấy lại tan tác. Cái không còn. Cái thì quá yếu ớt cần che chở. Cái biệt tăm. Cái cô độc chán chường.
“Bên trong vỏ kén vàng” với nhịp phim chậm rãi, những hình ảnh khi được bao phủ bởi lớp sương mờ huyền hoặc, khi hiện lên rõ ràng sống động nhưng lại chỉ là giấc mơ. Hành trình của nhân vật trong phim là một hành trình tìm kiếm chính mình, để trả lời cho câu hỏi: Ta là ai, ta đang làm gì giữa cuộc đời này, liệu có đức tin và sự vĩnh cửu trong một thế giới bị phân mảnh, vụn vỡ?
Hoài nghi và kiếm tìm bản thể là tâm thế thường thấy của con người hiện đại, được thể hiện sâu sắc qua các trào lưu nghệ thuật phương Tây nửa sau thế kỷ 20, đặc biệt rõ nét trong văn học và điện ảnh.
Tâm thế ấy lan sang các nước phát triển khu vực châu Á mà điển hình là Nhật Bản. Với văn học nghệ thuật nước ta, dẫu không đậm đặc song những câu hỏi mang tính triết học này đã được đặt ra trong vòng 2 thập niên đầu thế kỷ 21 này.
“Bên trong vỏ kén vàng” với ngôn ngữ điện ảnh tinh tế và u uẩn đưa người xem vào một hành trình không có điểm đầu điểm cuối, từ đó gợi mở nhiều tầng ý nghĩa. Trong một thế giới xô bồ và bấp bênh, sợi chỉ để dẫn dắt Thiện – Tâm – Hạnh – Đạo thật mơ hồ. Càng tìm kiếm càng biệt vô âm tín. Càng chất vấn càng không nhận được câu trả lời chính xác.
“Bên trong vỏ kén vàng” có những cảnh quay tuyệt đẹp về thiên nhiên. Đây có lẽ là thứ duy nhất để dẫn dắt, kết nối con người. Hình ảnh cuối phim, khi nhân vật chính cởi trần nằm ra giữa dòng nước, để nước vỗ về ôm ấp, cuốn trôi đi những ưu phiền là một hình ảnh giàu sức gợi.
Phải chăng, chỉ khi được trở về với nguyên sơ, với dịu lành trong sáng thì thân tâm được hợp nhất. Phải chăng khi con người đã sáng chế ra những phát minh vừa vĩ đại vừa có sức hủy diệt mạnh mẽ, thì nỗi khát khao được quay trở lại gốc gác Thiện Tâm càng trở nên sâu thẳm và day dứt!