Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, cùng với việc trang hoàng nhà cửa bằng cành đào, cành mai, hay bài trí mâm ngũ quả, mứt kẹo, rượu… trên bàn thờ tổ tiên, thì có lẽ không thể thiếu được màu xanh của bánh chưng và những lời chúc đầu năm mới.
Trải nghiệm gói bánh chưng
Trước không khí rộn rã của ngày Tết Nguyên đán, nhiều trường học tổ chức hoạt động trải nghiệm “Gói bánh chưng ngày Tết” ở tất cả các độ tuổi từ mầm non đến các cấp học cao hơn.
Cô và trò cùng tất bật chuẩn bị những chiếc lá dong được rửa sạch sẽ, lau khô, khuôn gói bánh và những nguyên liệu cần thiết như: Gạo nếp, lá dong, đỗ xanh và thịt lợn trong sự hứng khởi, vui vẻ ...
Theo TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương, ngày xưa, cứ đến sát Tết là cả gia đình lại quây quần làm bánh. Mẹ thì ngâm gạo, làm nhân đỗ, con ngồi lau lá dong.
Bố đảm nhận việc gói bánh chưng, thay phiên trông nồi bánh và trẻ nhỏ thì vô cùng háo hức chờ thành phẩm ra lò… Cứ vậy, mỗi người mỗi việc nhưng trong nhà và ngoài sân luôn tràn ngập tiếng cười giòn tan, rộn rã của trẻ nhỏ và người lớn.
Thời nay, có mấy trẻ được tự tay gói những chiếc bánh chưng mang đậm bản sắc dân tộc, được giúp bố mẹ trông bếp lửa những ngày giáp Tết? Có điều không phải vì thế mà người lớn “ăn Tết” qua loa và quên đi việc giáo dục con cái về ý nghĩa của ngày Tết, không cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm.
Đó là lí do mà việc dạy trẻ hiểu thêm các hoạt động truyền thống lại quan trọng đến thế. Các em chính là thế hệ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc để không bị mai một, nhạt dần theo thời gian.
TS Thanh cho rằng, nhịp sống hiện đại tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn nhưng truyền thống văn hóa ẩn sâu trong chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn rất cần trao truyền lại cho mai sau. Đặc biệt, các em nhỏ có lẽ là người trông mong Tết đến nhất khi mà không khí vui vẻ sum vầy, mọi người cùng nhau chúc phúc sẽ giúp trẻ thêm trân trọng ngày lễ này.
Ở nhiều trường mầm non, trước khi bắt tay gói bánh chưng, các bé được cô giáo kể cho nghe câu chuyện “Sự tích bánh chưng, bánh giầy” và giải thích cho biết vì sao ngày Tết không thể thiếu loại bánh này.
Cô Nguyễn Phương Thảo - giáo viên Trường Mầm non Hoa Thuỷ Tiên (Hà Nội) chia sẻ, trong câu chuyện, trẻ hiểu được rằng hình vuông tượng trưng cho mặt đất, bánh giầy hình tròn tượng trưng cho Mặt trời. Bánh chưng đã xuất hiện ở mâm cỗ ngày Tết từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no cho con người.
Tiếp theo đó, các cô hướng dẫn trẻ từng bước để gói bánh, chuẩn bị nguyên liệu, xếp lá, cho nguyên liệu theo đúng thứ tự, cách gói, buộc và luộc bánh chưng.
“Các bé chăm chú quan sát hoạt động của cô và tự mình thực hiện từng bước và tỏ ra rất thích thú, hào hứng khi được học hỏi thêm về phong tục Tết cổ truyền của dân tộc, tự tay làm một món ăn truyền thống đặc trưng. Những sản phẩm làm ra tuy chưa được vuông vức, đẹp mắt, hoàn hảo nhưng chứa đựng sự cố gắng rất lớn của các con”, cô Thảo cho biết.
Ngoài giáo dục trẻ gìn giữ truyền thống dân tộc thông qua gói bánh chưng ngày Tết, tại gia đình, cha mẹ có thể cho trẻ được trải nghiệm qua các hoạt động hằng ngày. Chẳng hạn, để trẻ cùng tham gia dọn dẹp nhà cửa một cách gọn gàng, sạch sẽ và trang trí để đón Tết. Cha mẹ có thể vừa làm vừa dạy bé tại sao các gia đình thường dọn nhà để đón Tết.
Cũng theo cô Nguyễn Phương Thảo, trong những ngày Tết, có nhiều phong tục rất đẹp cha mẹ cần giáo dục cho con cái. Trong đó, bữa cơm tất niên là một trong những nghi lễ văn hóa độc đáo của người Việt.
Ngày 30 Tết, gia đình thường chuẩn bị mâm cơm để mời ông bà, tổ tiên, những người đã khuất về ăn Tết, sum họp cùng con cháu. Ngày mùng 1 Tết, gia đình lại chuẩn bị mâm cơm cúng tân niên. Việc này thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ trong gia đình người Việt.
Ảnh minh họa: ITN. |
Học hỏi qua những lời chúc đầu năm
Ngày Tết cổ truyền, trẻ thường hào hứng khi được người lớn giao việc hay dặn dò những việc nên làm, những điều nên tránh, trong đó, chúc Tết là không thể thiếu. Lời chúc Tết giống như một món quà tinh thần ý nghĩa đầu năm mới. Bất kỳ ai được nhận món quà này từ một đứa trẻ thì chắc hẳn sẽ càng thấy ấm áp và hạnh phúc hơn nhiều.
Đây là một tục lệ đẹp mà người Việt duy trì vào dịp năm mới. Không chỉ người lớn, mà ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cũng sẽ được học nhiều điều hay về phong tục tập quán cổ truyền, thái độ lịch sự… qua những câu chúc Tết.
Nhiều cha mẹ thường dạy con những câu chúc Tết với người lớn tuổi, bạn bè, các em nhỏ. Với mỗi độ tuổi, thế hệ cần phải chúc khác nhau để thể hiện sự kính trọng, chân thành và lễ phép. Và lời chúc không phải tự dưng trẻ hiểu hết được, người lớn cần chỉ dạy, hướng dẫn con vì đây cũng là phong tục tập quán của người Việt xưa đến nay.
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, nếu năm nào bạn cũng đưa con đi chúc Tết ông bà hai bên nội ngoại, đến nhà các cụ già lão trước, rồi các bác, các cô chú... trẻ sẽ tự nhiên học được thứ bậc trong dòng họ. Hãy đưa trẻ đến nhà cụ già lão nhất, có vị trí cao nhất trong dòng họ, rồi lần lượt giải thích cho trẻ hiểu tại sao lại đến chúc sức khỏe các cụ cao niên, rồi mới đến các ông, các bà, rồi các bác....
Đến mỗi nhà, cha mẹ lại giải thích cho trẻ về những người có mối quan hệ với cha mẹ, dạy trẻ trước cách chào hỏi, xưng hô. Trẻ sẽ không thể nhớ ngay được từng người hoặc hiểu ngay được vị trí các mối quan hệ nhưng sẽ hình dung khái quát được về liên kết họ hàng. Dần dần, trong nhiều câu chuyện khác, trẻ sẽ rõ ràng hơn với từng gương mặt.
TS Nguyễn Thị Thanh cho rằng, phải duy trì các hoạt động thăm viếng thường xuyên, định kỳ vào các dịp lễ Tết hàng năm với sự có mặt của trẻ. Nên nhớ, đi đến đâu, trẻ cũng phải được cha mẹ giới thiệu nghiêm túc, đầy đủ với các ông bà, cô dì, chú bác. Điều quan trọng là cho trẻ cảm giác được người lớn tôn trọng và quan tâm vì sự có mặt của con.
Với mỗi cuộc viếng thăm ngày Tết, nếu có quà, hãy để bé nhận trách nhiệm. Con sẽ phải học cách cúi đầu, nói những câu chúc, cách tặng quà và nhận quà lễ phép nhất. Điều này khó thực hiện với những trẻ nhút nhát. Tuy nhiên, cha mẹ có thể giúp con thực hành trước ở nhà. Nếu trẻ làm không trôi chảy cũng không sao. Người lớn có thể đỡ lời và khuyến khích để con làm tốt hơn ở lần sau.
Việc này vừa là cơ hội dạy con biết giao tiếp lưu loát, vừa cho trẻ thấy rõ vị trí quan trọng của mình khi có mặt trong các cuộc gặp của người lớn chứ không đơn thuần chỉ là đứa đi theo đuôi và chẳng biết làm gì, nói gì ngoài việc chờ đợi. Do vậy, cha mẹ hãy nhớ đưa trẻ vào câu chuyện của năm mới. Trẻ sẽ thấy thích những người họ hàng vì họ biết và hỏi han trẻ.
Để trẻ biết yêu truyền thống gia đình, cha mẹ phải là người nghiêm túc trong công việc hướng con tham gia vào các hoạt động chung. Đôi khi, trẻ không thể có thái độ nghiêm túc hay tích cực ngay như người lớn mong muốn, nhưng cần giúp con tạo được thói quen và nền nếp.
“Một nét truyền thống nào đó cũng phải được tạo dựng qua nhiều năm tháng. Do đó, bạn không cần phải vội vàng. Bí quyết lớn nhất để xây dựng được thói quen duy trì truyền thống, nét đẹp của gia đình trong tâm hồn của mỗi đứa trẻ là tạo dựng cho chúng thấy rõ vị trí quan trọng trong sự kế thừa với truyền thống của gia đình do cha ông để lại”, TS Thanh chia sẻ.