Trải nghiệm đa diện với “Mắt Xẩm”

GD&TĐ - Dù không nhìn bằng đôi mắt, nhưng xẩm lại soi chiếu những góc nhìn rất chân thực và sâu sắc về cuộc sống.

Không gian chính diện của “Mắt Xẩm”.
Không gian chính diện của “Mắt Xẩm”.

Là loại hình xướng tích dân gian gắn với người khiếm thị, như một cách chơi chữ và khám phá triệt để những lớp nghĩa trong từ “mắt”. “Mắt Xẩm” không chỉ là xẩm dưới góc độ tiếp cận thị giác, mà còn là những quan điểm đa dạng về xẩm.

Trải qua lịch sử thăng trầm, xẩm đã đi qua lăng kính của nhiều thế hệ và không ngoại lệ, những người trẻ - chủ nhân tiếp nối di sản ngày hôm nay cũng có những góc nhìn riêng lạ.

Diễn ngôn xẩm bằng thị giác

“Mắt Xẩm” - chuỗi trải nghiệm đa giác quan về xẩm gồm triển lãm tranh, nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc thể nghiệm, tọa đàm chuyên môn. Chuỗi trải nghiệm do nhóm dự án Chèo 48h thực hiện, sẽ được tổ chức từ 16 – 22/5 tại VICAS Art Studio (Hà Nội).

Theo BTC chương trình, trải qua bao thập kỷ bằng một sự kết nối nào đó mà những nghệ sĩ đương đại lại đến gần hơn với xẩm. Họ góp thêm vào những góc nhìn khác lạ, qua cách diễn ngôn bằng tranh, bằng nhạc.

Với sức gợi từ những ý niệm, các nghệ sĩ đương đại đang được mong đợi sẽ đóng góp cho “Mắt Xẩm” những góc nhìn, những chấm phá độc đáo, khơi gợi được hứng thú tìm hiểu về di sản cho công chúng. Đồng thời tạo ra những tác phẩm mới mang tinh thần kết nối Đông Tây kim cổ.

Ra đời hơn 700 năm trước, xẩm là loại hình âm nhạc đặc sắc với lối diễn xướng dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt và là món ăn tinh thần của những người lao động. Mỗi làn điệu xẩm là lời răn dạy về đạo lý, lẽ sống, đại diện cho tiếng nói của nhân tình thế thái, là những câu chuyện gắn liền với cuộc sống thường nhật.

Trong chuỗi triển lãm “Mắt Xẩm”, đơn vị tổ chức nghệ thuật chia các làn điệu theo môi trường diễn xướng. Từ đó, mở ra góc nhìn về không gian biểu diễn đa dạng của các nghệ nhân xẩm thời xưa.

Hát xẩm từ khi ra đời vốn là một loại hình nghệ thuật gắn liền với những người khiếm thị. Qua xẩm, họ cảm nhận những buồn, vui, nhung nhớ. Chính vì vậy, hát xẩm còn chia các bài hát theo làn điệu đại diện cho các dạng cảm xúc.

Xẩm thập ân (thập ân phụ mẫu) là làn điệu đặc trưng nhất của hát xẩm. Bài “Thập ân” là mười ơn dưỡng dục của đấng sinh thành. Nội dung kể ra nỗi vất vả của cha mẹ, nhưng đồng thời cũng nhắc nhở người làm con phải sống sao cho tròn đạo hiếu.

Xẩm huê tình diễn đạt những bài hát đậm tính trữ tình, vui tươi, hóm hỉnh, châm biếm. Xẩm chênh bông thường là những bài hát vui vẻ, phấn khởi, châm biếm đả kích.

Xẩm hà liễu là những câu hát kể rầu thương cảm về nỗi tủi nhục, khổ cực của người phụ nữ trong xã hội cũ. Kết cấu giai điệu khá buồn, bi lụy với lưu không rất dài đem lại cảm giác não lòng khi nghe. Ngoài ra còn xẩm riềm huê, xẩm ba bậc, xẩm trống quân, hò khoan…

Kết nối xẩm với thế hệ trẻ

BTC “Mắt Xẩm” lưu ý, khán giả cần tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19. Chuỗi trải nghiệm sẽ thực hiện 4 talkshow cùng các nghệ sĩ, chuyên gia xẩm. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hoạt động tương tác trải nghiệm và biểu diễn thể nghiệm sẽ chuyển sang trực tuyến.

Khu vực chính diện của không gian triển lãm “Mắt Xẩm” với bức tranh vẽ 3 sắc thái biểu đạt khác nhau của người hát xẩm, được gợi cảm hứng từ bài hát “Mục hạ vô nhân”.

Yến Đỗ là một nghệ sĩ sử dụng các loại hình nghệ thuật đặc biệt là hội họa để khám phá con người. Cô kết nối xã hội với thế giới xung quanh để tìm ra những mối liên kết giữa con người với nhau và với vũ trụ.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trải qua 5 năm học tập tại Mỹ và Pháp, Yến Đỗ quay trở về Việt Nam làm việc. Cô muốn góp phần bảo tồn và quảng bá văn hoá truyền thống hát xẩm từ những bức tranh. Chất liệu Yến Đỗ sử dụng chủ yếu là sơn dầu và acrylic cùng lối vẽ trừu tượng, chứa đựng sự trải nghiệm sâu sắc.

Đặc biệt, bức tranh nghệ nhân Hà Thị Cầu đặt bên cạnh tư liệu phóng sự về những gương mặt cùng nhóm xẩm trẻ đang hoạt động thể hiện ý nghĩa tiếp nối “tre già măng mọc”.

Khu rừng huyền tích là không gian sắp đặt được gợi cảm hứng từ câu chuyện của tổ nghề. Mắt xẩm - đôi mắt được tạo ra nhờ sự sắp đặt khéo léo từ 200 chiếc sênh và cặp trống xẩm có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Công chúng có thể nhìn thấy đôi mắt ấy ở nhiều góc độ khác nhau.

Đây cũng là thông điệp mà triển lãm muốn nhắn gửi: Hãy cởi mở, nhìn nhận xẩm ở nhiều góc độ cuộc sống, để thấy được sức sống và vẻ đẹp của bộ môn nghệ thuật này.

Ngoài Yến Đỗ, nhạc sĩ trẻ Tú Nguyễn cũng góp sức trong chuỗi trải nghiệm “Mắt Xẩm”. Công chúng sẽ được nghe âm thanh trong khoang tàu điện, và chiêm ngưỡng chiếc chuông tàu điện cổ của Hà Nội - duy nhất còn lưu giữ lại.

Ngay cạnh bến tàu điện ngày xưa, không còn dấu vết đường ray đã hằn sâu ký ức, lại được nghe tiếng hát xẩm. Dù tiếng nhị, giọng xẩm không còn nguyên “màu thời gian” xưa cũ.

Một chuỗi trải nghiệm thú vị, sâu sắc với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi đến từ “Chèo 48h”. Đây là tổ chức cộng đồng với sứ mệnh kết nối văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến gần hơn với giới trẻ.

Đồng thời, các nghệ sĩ muốn đưa các bạn trẻ đến với những loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc, đang dần bị lãng quên. Họ muốn chia sẻ nhiều hơn tình yêu quê hương đất nước, yêu những giá trị văn hóa truyền thống và cùng bảo tồn giá trị đó cho thế hệ mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ