Mới đây hồ sơ hát Xoan đã được gửi tới Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể để xem xét, xác nhận hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.
Nét văn hóa truyền thống độc đáo
Truyền thuyết kể lại rằng hát Xoan được ra đời từ rất sớm, có thể từ thời Hùng Vương dựng nước. Bằng chứng là tại các địa điểm của hát Xoan hoặc có liên quan đến hát Xoan đều có tín ngưỡng thờ tự các Vua Hùng và các con gái Vua Hùng như Tiên Dung, Ngọc Hoa, Nguyệt Cư và các con rể, các tướng lĩnh của thời Vua Hùng.
Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn bán sơn địa thuộc trung tâm bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Nó được ra đời cùng với tín ngưỡng mang tính nguyên thủy của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, đó là tín ngưỡng thờ Trời, thờ Thần, thờ Thánh để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Chính vì vậy, yếu tố tâm linh là yếu tố quan trọng chi phối đến tính chất của hát Xoan. Hát Xoan được hát ở cửa đình và được tổ chức hát vào mùa Xuân - mùa nghỉ ngơi chuẩn bị đón chào một năm mới. Đây cũng là sản phẩm tinh thần của quần chúng nhân dân lao động, nó được bắt nguồn từ cuộc sống lao động của người nông dân và gắn liền với phong tục cấy trồng lúa nước. Hát Xoan còn thể hiện tâm tư tình cảm, nguyện vọng và ước vọng, là cầu nối cho sự đoàn kết trong cộng đồng.
Trước những giá trị tinh thần độc đáo, ngày 24/11/2011, hát Xoan Phú Thọ đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Điều này đã nâng tầm và vị thế văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là niềm tự hào và vinh dự to lớn của người dân Phú Thọ nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung trước di sản quý giá của cha ông để lại.
Hồi hộp chờ đợi
Trước những nỗ lực cố gắng bền bỉ trong vấn đề lưu giữ và trao truyền di sản văn hóa này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Phú Thọ, đã đệ trình hồ sơ đề nghị UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp. Theo đó đa số các quốc gia thành viên của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã đánh giá cao quá trình bảo tồn di sản và ủng hộ Việt Nam chuyển thẳng hát Xoan Phú Thọ sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngay sau khi có ý kiến của UNESCO về việc xây dựng hồ sơ đưa hát Xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) và một số đơn vị liên quan triển khai xây dựng hồ sơ đề cử.
Hồ sơ trình UNESCO công nhận hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được chuẩn bị công phu từ phóng sự giới thiệu về di sản đến các ảnh và nội dung hồ sơ, thông tin đầy đủ của các tổ chức, cộng đồng liên quan đến di sản, kết cấu hồ sơ đảm bảo theo quy định của UNESCO.
Theo TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa - (người trực tiếp cùng với tỉnh Phú Thọ tham gia xây dựng báo cáo hồ sơ hát Xoan) đề nghị tổ chức UNESCO đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - cho biết: “Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được tỉnh Phú Thọ làm rất tốt. Cho tới thời điểm này, các nghệ nhân hiện nay đã truyền dạy liên tục; đồng thời cung cấp tài liệu truyền dạy cho các câu lạc bộ, nhóm công chúng đang tham gia thực hành và thưởng thức Xoan để đảm bảo bài bản và nghệ thuật múa, hát Xoan giữ được giá trị di sản.
Không chỉ vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng 4 phường Xoan tham gia bằng việc gắn kết, sử dụng nguồn đầu tư từ các chương trình văn hóa cơ sở hoặc xã hội hóa và sẽ thiết lập quỹ bảo tồn hát Xoan, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp xây dựng quỹ…”.