Trải lòng của thầy giáo 24 năm bám bản dạy học

GD&TĐ - 24 năm gắn bó với học trò vùng núi, thầy Đào Xuân Thành luôn tận tụy, trách nhiệm, thắp sáng ước mơ cho học sinh.

Thầy Đào Xuân Thành – giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Khoang cùng học trò của mình tham gia các hoạt động ngoại khoá cùng trò. Ảnh NVCC.
Thầy Đào Xuân Thành – giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Khoang cùng học trò của mình tham gia các hoạt động ngoại khoá cùng trò. Ảnh NVCC.

Kết thúc một tuần giảng dạy, thầy Đào Xuân Thành – giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Khoang (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) lại vượt quãng đường núi khó khăn để trở về nhà, vất vả là thế nhưng gần 24 năm qua chưa khi nào thầy Thành có ý định từ bỏ nghề giáo.

Nối tiếp nghề giáo của cha mẹ

Thầy Thành sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống theo nghề dạy học, từ nhỏ thầy luôn mơ ước trở thành giáo viên.

"Mỗi lần chứng kiến bố mẹ giảng bài cho học sinh, tôi luôn bắt chước làm theo. Rất nhiều lần, tôi thường mượn sách vở, bút, phấn của bố mẹ để đóng vai thầy giáo chỉ cho các em học trong làng học bài", thầy Thành nhớ lại.

Cũng nhờ vậy, thầy Thành càng thêm yêu thích, ấn tượng với nghề “cầm phấn”. Tốt nghiệp THPT, thầy Đào Xuân Thành quyết định thi vào ngành Sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai (tỉnh Lào Cai).

Sau gần 2 năm miệt mài học tập năm 1999, thầy tốt nghiệp lớp sơ cấp 12+1 và được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Hầu Thào (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Những ngày đấu chập chững bước vào nghề, thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn khi chưa hiểu tâm lý học trò. Nhiều tình huống dở khóc, dở cười nhưng không làm khó được nhiệt huyết, máu lửa của thầy giáo trẻ.

Hơn 1 năm sau đó, thầy Thành chuyển công tác về Trường PTDT bán trú Tiểu học Bản Khoang (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). 24 năm giảng dạy tại đây, thầy Thành đếm không hết những lần mình đi vận động học sinh đến trường đặc biệt là trò nghèo.

Thầy Thành chia sẻ: “Học sinh trong trường 100% là người dân tộc Dao đỏ, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn. Bố mẹ các em chủ yếu làm nương rẫy, nhiều trò đi học phải địu em nhỏ đến lớp cùng, những ngày nghỉ các em lại phụ bố mẹ chăn bò, nấu cơm,… Rất may, học trò ở đây rất ham học, được thầy cô và chính quyền xã động viên nên em nào cũng hoàn thành chương trình học đúng hạn”.

Kể về sự thiếu thốn của học sinh nơi đây, thầy Thành không hết bồi hồi: “Thời tiết trên vùng cao vào mùa đông vô cùng khắc nghiệt. Chỉ cần hạ nhiệt độ là nước cũng trở nên lạnh giá, đụng tay xuống nước đã đóng băng tê tái. Nhìn học sinh chịu lạnh để rửa mặt, chân tay mà tôi thương xót. Lúc đó, tôi ước có nước ấm để các em tiện sinh hoạt”.

c7506fcceec4579a0ed5-4656.jpg
Thầy Thành (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng các thầy cô giáo Trường PTDTBT TH Bản Khoang (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Ảnh NVCC.

Thấu hiểu những thiệt thòi của trẻ em vùng cao, trăn trở lớn nhất của thầy Thành là tìm được các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục giúp điểm trường thoát nghèo. Thầy chủ động kết nối các nhà hảo tâm quyên góp những bộ quần áo ấm, giày, tất, máy sưởi điện, bình nước nóng để các em bớt lạnh.

Trong quá trình dạy học ở trường, học sinh có biểu hiện chểnh mảng, ham chơi..., thầy Thành lưu ý, trao đổi với phụ huynh để lên phương pháp dạy học hiệu quả. “Giảng dạy cho học sinh dân tộc, bản thân thầy giáo ngoài chuyên môn phải thông cảm, chia sẻ những khó khăn khi học sinh gặp phải”, thầy Thành tâm sự.

Mỗi dịp về nhà hay đi công tác xa, thấy đồ dùng học tập phù hợp với học trò, thầy Thành lại trích một phần lương để mua tặng các em đặc biệt là những trò có thành tích học tập tốt. Nhờ vậy, các em lại càng có động lực học hành.

Bên cạnh học tập, thầy Thành cũng kết hợp tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí giúp các em thư giãn. Cùng với các thầy cô trong trường, thầy Thành thành lập câu lạc bộ ca nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh,... động viên các em tham gia để phát triển kỹ năng mềm.

214a8c69e2625b3c0273-3619.jpg
Học sinh của thầy Thành là người dân tộc thiểu số. Ảnh NVCC.

Chưa một lần dạy con học bài

Nhìn những cô cậu học trò nhỏ nhắn mang cặp sách đến trường, thầy Thành không ít lần mủi lòng vì nhớ đến những đứa con của mình. 24 năm xa nhà cũng là quãng thời gian hơn 20 năm thầy sống xa con.

Thầy Thành trải lòng: “Tôi từng dạy rất nhiều học sinh nhưng chưa lấy một ngày cầm bút chỉ cho con học bài, sống xa nhà, một tay vợ tôi gánh vác mọi việc”.

Được biết, thầy Thành từng có nhiều cơ hội về điểm trường trung tâm, gần gia đình, nhưng thầy vẫn quyết tâm ở lại bám trường, bám lớp gắn bó với học sinh vùng cao.

“Nghề giáo là nghề đặc biệt, tôi luôn tâm niệm nếu mình sợ vất vả, khó khăn, trốn tránh thì ai sẽ lên đây với trò, đồng nghiệp mới lên thay sẽ vất vả, làm quen lại từ đầu. Trong khi đó, học sinh ở đây đã quen với thầy và thầy cũng quen với phong tục tập quán của người dân bản xứ”, thầy Thành trải lòng.

Ở độ tuổi 47, khi hỏi về mong muốn của mình, thầy Đào Xuân Thành hi vọng bản thân có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành, gắn bó với học sinh. Thầy cũng không quên bày tỏ niềm vui khi nhìn các em học sinh lớn lên, trưởng thành, trở về quê hương giúp ích cho cho thôn xã.

Thầy Hoàng Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bản Khoang cho biết: “Thầy Thành là người luôn tiên phong đi đầu trong mọi công việc của nhà trường; có tinh thần học hỏi, cầu thị, tiếp nhận các kiến thức, yêu cầu mới của chương trình; là tấm gương cho các thầy cô và học sinh trong trường. Thầy không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.