Trái đất sẽ thế nào nếu có 'mặt trăng thứ hai'?

GD&TĐ - Tiểu hành tinh 2024 PT5 xuất hiện trong quỹ đạo Trái đất và được coi là “mặt trăng thứ hai”, song nó không tồn tại lâu.

Hình ảnh 2 mặt trăng nếu nhìn từ Trái đất.
Hình ảnh 2 mặt trăng nếu nhìn từ Trái đất.

Tác động đến thủy triều

Trái đất đang sở hữu “mặt trăng thứ hai”, xuất hiện trong quỹ đạo từ tháng 9/2024. Mặt trăng này là tiểu hành tinh 2024 PT5, quay quanh mặt trời như một phần của vành đai tiểu hành tinh nhỏ theo sau Trái đất. Tiểu hành tinh sẽ tồn tại đến ngày 25/11/2024.

Tại Trái đất, các nhà khoa học đã theo dõi khoảng một nghìn vật thể nằm trong phạm vi bằng 10 lần khoảng cách từ mặt trăng đến Trái đất mỗi năm. Đây là những vật thể có nguy cơ bị hút vào quỹ đạo quay của Trái đất và trở thành “mặt trăng” tiếp theo.

Sự xuất hiện của tiểu hành tinh 2024 PT5 gây chú ý ở 2 khía cạnh: Kích thước lớn và tồn tại thời gian lâu hơn so với những tiểu hành tinh từng đi ngang qua quỹ đạo. Thế nên, nó cũng đặt ra câu hỏi cho các nhà khoa học rằng sẽ thế nào nếu Trái đất có “mặt trăng thứ hai”?

Có hàng trăm vệ tinh tự nhiên, còn gọi là mặt trăng, trong Hệ Mặt trời nhưng hầu hết đều xoay quanh những hành tinh vòng ngoài, có kích thước lớn hơn Trái đất. Đơn cử, sao Thổ có 146 mặt trăng, sao Mộc có 95 mặt trăng, trong khi sao Hỏa có 2 mặt trăng. Ngay cả “hành tinh lùn” sao Diêm Vương cũng có đến 5 mặt trăng.

Vào năm 2010, nhà vật lý thiên văn Neil F. Comins đã viết cuốn sách “Sẽ thế nào nếu Trái đất có hai mặt trăng và 9 suy đoán về Hệ Mặt trời”, trong đó, tác giả đưa ra một số dự đoán.

Đầu tiên, thủy triều tại Trái đất sẽ có kích thước lớn hơn. Thủy triều là hiện tượng nước biển lên xuống trong một chu kì biến chuyển thiên văn, xảy ra do lực hút của mặt trăng lên vỏ Trái đất. Hiện nay, mỗi ngày có 2 lần thủy triều lên và 2 lần thủy triều xuống.

Việc một mặt trăng can thiệp vào hoạt động này sẽ cộng hưởng vào tác động của các vệ tinh lên lực hút Trái đất và khuếch đại quy mô của thủy triều.

Giả thuyết đầu tiên là mặt trăng thứ hai có kích thước nhỏ hơn, ở cùng một quỹ đạo với mặt trăng đầu tiên. Khi mặt trăng lớn hơn lùi ra xa khỏi Trái đất, nó sẽ làm quỹ đạo của mặt trăng còn lại trở nên kém ổn định.

Mặt trăng thứ hai sẽ tạo ra thủy triều yếu hơn so với mặt trăng còn lại. Nhưng lực thủy triều kết hợp từ hai vệ tinh sẽ tạo nên các cơn sóng. Dù những cơn sóng này sẽ lớn hơn, nhưng chúng không đến mức có sức phá hủy.

Tương tự cách đây 4 tỷ năm, hai vệ tinh sẽ chậm rãi đâm vào nhau. Do chúng di chuyển về phía nhau một cách từ từ, mảnh vỡ từ vụ va chạm sẽ không trút xuống Trái đất. Mặt trăng nhỏ sẽ bắn tung toé khắp mặt trăng lớn, tạo thêm một lớp vỏ cứng. Những ngọn núi mới do đá vỡ tạo thành có thể quan sát từ mặt gần của mặt trăng là dấu vết duy nhất nhắc nhở về sự tồn tại của nó.

trai-dat-se-the-nao-neu-co-mat-trang-thu-hai-1-2268.jpg
Tiểu hành tinh 2024 PT5 xuất hiện trong quỹ đạo của Trái đất.

Thảm họa diệt vong

Vậy sẽ ra sao nếu vệ tinh thứ hai lớn bằng mặt trăng và quay quanh Trái đất ở khoảng cách gần hơn một nửa? Lần này, Trái đất sẽ không còn mang dáng vẻ yên bình nữa.

Theo chuyên gia Comins, thủy triều sẽ cao gấp 8 lần so với hiện nay nếu có thêm một mặt trăng quay quanh quỹ đạo của Trái đất. Nó có khả năng nhấn chìm mọi thứ. Các hiện tượng liên quan như xói mòn sẽ diễn ra thường xuyên, mức độ thiệt hại nặng nề hơn hiện nay.

Mọi người phải tránh xa các khu vực ven biển bởi chênh giữa thủy triều cao và thấp sẽ lên tới 300m. Ngập lụt sẽ xảy ra do triều cường, từ đó làm thu nhỏ diện tích có thể sinh sống trên Trái đất. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của con người ở gần biển hoặc cửa sông và nền văn minh đương đại.

Thứ hai, khi có 2 mặt trăng thì bầu trời ban đêm sẽ sáng hơn khoảng 5 lần so với hiện nay. “Mức độ này đủ sáng để chúng ta đọc một cuốn sách mà không cần đèn điện”, ông Comins viết. Ban đêm sáng hơn sẽ ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của con người và hoạt động của các loài vật, nhất là những loài sống về đêm. Đơn cử, những loài động vật săn mồi sẽ ngụy trang tinh vi hơn, phát triển các giác quan nhạy bén hơn.

Mặt trăng thứ hai cũng thay đổi bản chất của nhật thực. Nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi ngang qua mặt trời và có thể quan sát từ Trái đất. Khi có hai mặt trăng thì hiện tượng nhật thực sẽ xuất hiện nhiều hơn và vùng tối cũng bao phủ diện tích gấp đôi so với mặt trăng đầu tiên.

Thứ ba, chu kì và lịch âm sẽ thay đổi. Theo Comins, mặt trăng mất khoảng 29 ngày rưỡi để hoàn thành một chu kì. Nếu mặt trăng thứ hai tồn tại ở khoảng cách bằng một nửa khoảng cách của mặt trăng hiện nay đến Trái đất, nó sẽ quay một chu kì chỉ mất 10 ngày.

Vì đơn vị tính thời gian dựa trên chu kì mặt trăng nên các nền văn minh vào giai đoạn có 2 mặt trăng sẽ phải tính toán lịch phức tạp hơn. Ngoài ngày, tuần, năm, có thể có thêm tháng, tháng một phần hoặc thêm quý. Một tháng một phần có thể kéo dài 14 ngày.

Bên cạnh đó, do kích thước 2 mặt trăng bằng nhau nên từ Trái đất, chúng ta có thể nhìn thấy cặp đôi này trên bầu trời đêm. Tuy nhiên, 2 mặt trăng sẽ chậm rãi di chuyển ra xa khỏi Trái đất và đâm vào nhau.

Vụ va chạm sẽ bắn những mảnh vỡ về phía hành tinh của chúng ta. Đó sẽ là một trận mưa thiên thạch có quy mô cực lớn và nó có thể xóa sổ toàn bộ nhân loại. Những mảnh vỡ không rơi xuống Trái đất có thể trở thành mặt trăng mới trên quỹ đạo hành tinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ