Mùa hè năm 2016 là một trong những mùa hè nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận, nhưng đó cũng là thời điểm tuyệt vời giúp các nhà nghiên cứu tận dụng để kiểm tra tác động của nhiệt độ đến sức khỏe tinh thần và trí tuệ của một người.
Các nhà khoa học tại trường Sức khỏe cộng đồng Harvard T.H Chan là những người đã thực hiện nghiên cứu thú vị này. Nghiên cứu được thực hiện vào mùa hè năm 2016 với quy mô 44 học sinh ở độ tuổi thiếu niên trong vòng 12 ngày tại ký túc xá ở Boston, Mỹ.
Trước nay, hầu hết các nghiên cứu về nhiệt độ và sức khỏe đều chỉ tập trung vào đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi nhiệt độ là người già, ốm yếu hoặc còn quá bé. Tuy nhiên đây là nghiên cứu đầu tiên thử trên những người trẻ tuổi và khỏe mạnh.
Jose Guillermo Cedeño-Laurent, tác giả chính của nghiên cứu đã thử tìm hiểu tác động của nhiệt độ trong môi trường thực tế.
Học sinh tham gia nghiên cứu này được chia thành hai nhóm, mỗi bên 22 người và sống ở hai tòa nhà ký túc xá khác nhau. Một bên là tòa nhà ký túc xá 6 tầng được xây dựng vào đầu những năm 1990 nhưng có điều hòa nhiệt độ.
Trong khi những người còn lại sống ở ký túc xá cũ nát, xây từ những năm 1930-1950 và không có điều hòa nhiệt độ. Tiêu chí chia sinh viên dựa trên những người đến trước sẽ được chọn trước.
Theo Motherboard, tất cả sinh viên đều phải làm một bài kiểm tra trên smartphone vào buổi sáng sau khi họ thức dậy. Bài kiểm tra yêu cầu một bên nhanh chóng xác định chính xác màu sắc của từ. Trong khi bên còn lại phải thực hiện các bài toán cơ bản.
Khi đó, các học sinh ở tòa nhà không có điều hòa trả lời chậm hơn 13% trong cả hai bài kiểm tra về màu sắc của từ và toán học. Trái ngược lại, không ngạc nhiên khi những học sinh ở trong môi trường có điều hòa làm bài nhanh và chính xác hơn.
Kết luận từ nghiên cứu cho thấy, những người sống trong môi trường có điều hòa không khí thực hiện tốt hơn các bài kiểm tra toán và trí nhớ so với những người phải chịu cái nóng và toát mồ hôi.
Trên thực tế, bất cứ ai ngủ trong một căn phòng ngột ngạt và nóng bức trong mùa hè sẽ phải đối diện với rất nhiều phiền toái. Một nghiên cứu trước đây cho thấy, cứ mỗi mốc nhiệt độ tăng 1 độ C, con người có thể mất trung bình 2,74 phút trong giấc ngủ. Hệ quả là hiệu suất công việc và hoạt động thể chất, tinh thần giảm sút trong ngày hôm sau.
Thông qua nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu một nhắn nhủ một thông điệp rằng, khi các sóng nhiệt ngày càng dữ dội và biến đổi khí hậu ngày một khắc nghiệt, ngay cả những người khỏe mạnh nhất cũng có thể bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, nếu các sóng nhiệt hoành hành ở một khu vực địa lý quá lâu, nó có thể ảnh hưởng tới nhận thức, trình độ học vấn của một người, thậm chí tác động lâu dài tới năng suất kinh tế và an ninh quốc gia.
Cedeño-Laurent chia sẻ: "Thông qua nghiên cứu và mối liên hệ chung có thể thấy, biến đổi khí hậu thực sự mang tính cá nhân và bất kỳ ai cũng có thể bị ảnh hưởng".
Khi con người tiếp tục sử dụng điều hòa vào mùa hè, chúng ta dường như đang lao vào một vòng luẩn quẩn bởi điều hòa tiêu tốn rất nhiều năng lượng, đôi khi chất làm lạnh còn tác động tới tầng ozon và gây hiệu ứng nhà kính.
Hơn hết, thế giới sẽ cần có những quy định chung trong việc xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và dần hạn chế điều hòa nhiệt độ trong tương lai.
Đặc biệt các nhà khoa học và kiến trúc sư trên thế giới cần sớm tìm ra một lối kiến trúc xanh phù hợp cho mọi không gian trên thế giới. Chỉ có như thế mới đảm bảo ngăn biến đổi khí hậu và làm mát không gian sinh sống, đồng thời giảm tác động của nhiệt độ tới nhận thức và khả năng học tập.
Phát hiện trên đã được đăng tải trên tạp chí PLOS Medicine mới đây.