Proxima b, hành tinh ngoài hệ Mặt Trời gần Trái Đất nhất từng được biết đến, có thể sở hữu điều kiện cần thiết để duy trì sự sống, bao gồm cả nước tồn tại ở dạng lỏng. Đây là kết quả trong một nghiên cứu mới, sử dụng phương pháp đặc biệt để đánh giá khí hậu của hành tinh này, theo IFL Science.
Proxima b được công bố hồi tháng 8/2016, nằm cách Trái Đất 4,2 năm ánh sáng, quay quanh ngôi sao Proxima Centauri, được cho là cấu thành chủ yếu từ đá. Hành tinh này thường được gọi là "Trái Đất 2.0", do có nhiều điểm chung với Trái Đất.
Nghiên cứu mới nhất của Đại học Exeter sử dụng mô hình hành tinh của Cơ quan khí tượng Anh (MO), thường được dùng để điều tra khí hậu Trái Đất. Các điều kiện trên Proxima b được mô phỏng, cho thấy nó là nơi có thể sinh sống được. Tuy nhiên, đây chỉ là thử nghiệm suy đoán. Các nhà khoa học chưa có bằng chứng cụ thể về khả năng duy trì sự sống của Proxima b, nhưng nó cung cấp khuôn mẫu tốt cho các quan sát tương lai.
Vì thiếu thông tin, nhóm nghiên cứu phải đưa dữ liệu giả định vào mô hình phân tích, ví dụ toàn bộ hành tinh được bao phủ bởi nước. Họ cũng đưa ra hai giả thuyết về khí quyển của Proxima b.
Một là giống Trái Đất, trong khi mô hình còn lại chỉ bao gồm khí nitơ và lượng nhỏ carbon dioxide.
Để nghiên cứu bầu khí quyển hành tinh này một cách cụ thể, sẽ cần công cụ tiên tiến như Kính viễn vọng cực lớn ở châu Âu (E-ELT), dự kiến hoạt động vào năm 2024.
Hai giả thuyết về chuyển động cũng được áp dụng cho hành tinh này. Đầu tiên là nó luôn hướng một mặt về phía Proxima Centauri, còn lại là nó sẽ xoay ba vòng trong hai quỹ đạo, tương tự sao Thủy trong hệ Mặt Trời. Giả thuyết sau đem lại nhiều vùng có dải nhiệt độ phù hợp cho sự sống.
Phương pháp nghiên cứu này có thể được sử dụng để nghiên cứu các hành tinh khác trong thời gian sắp tới.