XEM CLIP:
Dự án nghìn tỷ không dám bật điện
Dự án chăn nuôi bò Bình Hà (Hà Tĩnh) những ngày này trông tiêu điều, hoang vắng. Đại dự án với kỳ vọng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nay chỉ còn ít người làm thời vụ, trồng chuối.
Từ dự án nuôi bò nghìn tỷ, công ty Bình Hà đang chuyển sang trồng chuối để lấy chi phí trang trải trong công ty |
Nắng nóng kéo dài khiến chuối bị khô héo, cây ngả nghiêng. Người ta phải dùng rất nhiều dây để buộc những dãy chuối lại với nhau tránh gãy đổ.
Tại khu vực nhà điều hành, các khối nhà 2 tầng to lớn, đẹp đẽ cửa khóa im lìm, đã lâu rồi các dãy nhà được đầu tư hàng tỷ đồng không có bất cứ người nào vào làm việc.
Bên cạnh là một sân bóng nhân tạo được đầu tư rất bài bản từ sân cỏ, cột điện, bóng cao áp nay mặt sân mọc đầy cỏ dại.
Mấy ngày gần đây, hệ thống điện tại dự án này bị tắt, chỉ vào buổi trưa mới bật lên sử dụng trong vòng vài tiếng.
Các dãy nhà làm việc bỏ trống từ đầu năm đến nay |
Một bảo vệ cho biết, khu nhà điều hành không còn ai làm việc từ đầu năm, hiện chỉ còn một số công nhân ở khu vực gần hệ thống chuồng trại để trồng chuối.
“Thu nhập từ chuối không đủ trang trải nên khoảng 1 tuần nay phải tắt điện cho đỡ tốn kém. Ở khu vực bảo vệ vòng ngoài cùng thì dùng điện từ ban quản lý rừng phòng hộ, còn phía trong này không có điện, buổi tối đi tuần sợ lắm”, người này nói.
Vào sâu phía trong là khu vực chuồng trại nuôi bò rộng thênh thang, sắt thép tại các dãy nhà này đổi màu vì hoen gỉ, mái tôn bắt đầu hư hỏng.
Sân bóng đá được đầu tư bài bản đã bị xuống cấp |
Tại một số khu vực trước đây dùng để trồng cỏ, từ lâu đã bỏ hoang nên người dân sống lân cận tự ý vào khai phá đất trồng keo thương phẩm.
Tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh mới diễn ra, có không ít câu hỏi của cử tri về số phận của dự án trại bò Bình Hà cũng như thực trạng người dân vào dự án chiếm dụng đất trồng keo. Tuy nhiên, những thắc mắc về số phận của dự án vẫn chưa được giải đáp.
Từ tháng 3/2018 tới nay, một số hộ dân ở xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh vào các tiểu khu 402, 403 thuộc đất đã giao cho công ty Bình Hà lấn chiếm 293ha đất để trồng keo. Sau khi phát hiện, các sở ngành, địa phương đã tuyên truyền vận động người dân, đồng thời lập biên bản, bắt buộc người dân phải di dời cây trên phần đất lấn chiếm.Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, công ty Bình Hà đang sử dụng 820ha đất, một phần lớn diện tích nằm trong dự án nhưng chưa giao cho công ty Bình Hà hiện đang được công ty cao su Hà Tĩnh quản lý.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh |
“Do công ty Bình Hà làm ăn không hiệu quả nên UBND tỉnh đã yêu cầu công ty này lên đề án tái cơ cấu lại để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Lúc đầu công ty này có làm đề án tái cơ cấu, nhưng khi đang thực hiện thì một số cá nhân tại cơ quan này bị khởi tố nên dừng từ đó đến nay”, ông Việt nói.
Hiện nay, công đoàn của công ty đang đứng ra trồng chuối trên diện tích đất đã đền bù để trang trải chi phí. Bên cạnh đó, thời gian tới khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra và đề án tái cơ cấu thì UBND tỉnh mới có chỉ đạo để công ty này tiếp tục hoạt động sản xuất.
Nhiều khu vực đất đã giải phóng mặt bằng nhưng vì dự án nuôi bò đổ bể nên bỏ trống |
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của công ty Bình Hà với tổng vốn hơn 4.500 tỷ đồng, trên diện tích hơn 2.163ha thuộc 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh được triển khai từ năm 2005.
Dự án này được BIDV chấp thuận cho vay 3.162 tỷ đồng, đến đầu năm 2016 đã giải ngân trên 800 tỷ đồng.
Tại báo cáo số 157/BH ngày 19/9/2017, công ty Bình Hà cho biết đã đầu tư vào dự án này 2.000 tỉ đồng nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn và thua lỗ. Riêng năm 2016 công ty lỗ hơn 200 tỉ.
Do đất để trống lâu ngày nên nhiều người dân đã vào khu vực đất giao cho công ty Bình Hà lấn chiếm trồng keo |
Dự án này khiến nhiều cán bộ ngân hàng BIDV và công ty Bình Hà bị khởi tố, trong đó có cha con ông Trần Bắc Hà.
Ông Hà bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Ngày 18/7 vừa qua, ông Hà đã tử vong khi đang trong thời gian bị tạm giam. Nguyên nhân tử vong được xác định là do bệnh hiểm nghèo.