Không chỉ bị khóa tài khoản vĩnh viễn mà Tik Toker Nờ Ô Nô (Tuấn Brice) còn đang bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM mời lên làm việc liên quan đến loạt video trên TikTok gây bức xúc dư luận.
Đó là việc, những ngày qua, cộng đồng mạng phải xem và nghe Tik Toker Nờ Ô Nô “thực hành” việc làm gắn mác “từ thiện” trong seri video mang tên “Người nghèo ăn gì mình cho ăn đó” nhưng bằng lời nói, thái độ có phần hỗn xược, miệt thị, thiếu sự chia sẻ, cảm thông đối với người lớn tuổi, người nghèo.
Có thể kể đến những câu nói bỡn cợt như: “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn”; “Chúc bà nhiều sức khỏe, vượt qua mùa đông cô đơn nghèo khổ, bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”... Lối ứng xử ấy ngay lập tức vấp phải làn sóng dư luận, đi từ sự tức giận đến quyết liệt tẩy chay và cuối cùng là bị khóa vĩnh viễn, thậm chí còn liên đới đến vi phạm pháp luật.
Thực ra, với Tik Toker Nờ Ô Nô thì vụ việc này chỉ là giọt nước tràn ly cho những điều tiếng bấy lâu nay về cách anh ta sản xuất nội dung video khi sử dụng những hành động, cách nói năng thô lỗ, bặm trợn điển hình như việc thường xuyên quậy phá, chửi bới nhân viên nhà hàng để PR bẩn.
Tất nhiên, các video đó thường được dàn dựng, đóng kịch và có sự thỏa thuận nên càng đáng bị lên án vì đó là sự cố tình truyền tải những hành vi ứng xử xấu xí, phản cảm lên mạng xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến cộng đồng.
Việc sản xuất video để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội đang là xu hướng nở rộ của các bạn trẻ. Xu hướng này không xấu khi tạo ra sự giao lưu trong một xã hội mở.
Tiếc là, đôi khi, vì muốn gây chú ý, nổi tiếng sớm, kiếm được nhiều tiền mà không ít người lựa chọn những chiêu trò, cách ứng xử khiếm nhã, thiếu lịch sự, văn minh, thậm chí còn cố tình đăng thông tin xúc phạm danh dự người khác, dù rằng ai cũng biết việc lan truyền trên mạng xã hội chỉ tính bằng tích tắc!
Bởi vậy, việc sản xuất nội dung gì và bằng hình thức nào cho phù hợp với thuần phong mỹ tục, cân nhắc làm sao để có thể lan truyền những điều tốt đẹp đến cộng đồng lại là vấn đề không dễ cho bất cứ ai và không phải ai cũng để ý, quan tâm.
Cùng với đó, hơn bao giờ hết, rất cần các bạn trẻ biết lắng nghe và thể hiện trách nhiệm cho hành vi truyền tải thông điệp đến cộng đồng của mình, đừng vô tình thậm chí là cố tình xả thêm “rác” văn hóa làm “ô nhiễm” môi trường mạng xã hội - một môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống, cách ứng xử của các bạn trẻ thời 4.0 hôm nay.
Trách nhiệm này cần được xây dựng từ ý thức, đạo đức cũng như sự hiểu biết và không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ năng, kiến thức văn hóa xã hội của mỗi người. Đừng để dư luận phải phẫn nộ tẩy chay hay pháp luật lên tiếng thì xem ra đã muộn!