Tự điều chỉnh công nghệ xử lý rác
Như Báo GD&TĐ thông tin, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh và Dự án Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh chậm tiến độ. Điều này khiến rác tồn đọng hàng chục nghìn tấn. Mới đây, tỉnh Trà Vinh định chở rác sang nhờ TP Cần Thơ xử lý nhưng không nhận được sự đồng ý.
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh được đầu tư xây dựng năm 2017. Công ty TNHH MTV Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam đầu tư. Nhà máy này có công suất giai đoạn 1 là 150 tấn/ngày đêm.
Vốn đầu tư 79 tỉ đồng do nhà đầu tư tự thực hiện. Nhà đầu tư cam kết đưa vào vận hành chạy thử từ tháng 12/2017. UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu tiến độ hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động vào tháng 12/2018.
Dự án xử lý rác thứ hai là Dự án Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016. Tổng kinh phí hơn 79 tỉ đồng. Đây là dự án nhằm đưa bãi rác TP Trà Vinh ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Chủ đầu tư là Sở TN&MT. Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam là đơn vị trúng thầu, thi công bằng phương pháp đốt (công suất 100 tấn/ngày và chôn hợp vệ sinh).
Hai dự án chậm tiến độ, rác thải ngày càng ùn ứ nghiêm trọng. Tháng 2, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh có quyết định kiểm tra việc thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh và Dự án Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra do ông Phạm Khải Trung, Chánh Thanh tra tỉnh ký, Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tỉnh Trà Vinh, tiến độ thực hiện dự án không đúng với quyết định chủ trương đầu tư.
Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam chỉ thực hiện đầu tư các hạng mục có nhu cầu cần thiết cho việc vận hành nhà máy (như nhà xưởng cơ khí, nhà xưởng xử lý rác...); chưa đầu tư các hạng mục khác theo giấy phép xây dựng.
Đặc biệt, nhà đầu tư có thay đổi, điều chỉnh quy trình công nghệ xử lý rác so với hồ sơ dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hệ thống xử lý nước thải không đúng theo công suất (từ thiết kế 100m3/ngày đêm đã giảm xuống còn 50m3/ngày đêm); chưa thi công các bãi chôn lấp tro xỉ…
Việc điều chỉnh công nghệ xử lý rác và điều chỉnh công suất của hệ thống xử lý nước thải của nhà đầu tư chưa được cấp thẩm quyền xem xét chấp thuận và điều chỉnh đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Tính từ 25/9/2018 đến 29/2/2020, nhà máy đã tiếp nhận 46.068 tấn rác, khối lượng đã xử lý 17.722,8 tấn. Công suất lò đốt trung bình khoảng 70 tấn/ngày (trong khi hồ sơ dự án là 150 tấn/ngày đêm). Từ đó dẫn đến phần khối lượng rác sau phân loại dự kiến xử lý lên men và sơ chế còn tồn đọng rất nhiều xung quanh nhà máy.
Thay đổi thiết bị đốt rác không hiệu quả
Tại Dự án Xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP Trà Vinh, theo kết quả kiểm tra, tiến độ thực hiện gói thầu không đảm bảo theo hợp đồng. Các hạng mục bảo vệ môi trường, nhà thầu chưa thực hiện theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt. Khí thải chưa đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Nhà thầu có lập thủ tục nhưng chưa đảm bảo điều kiện nên chưa được xác nhận.
Từ ngày 2/12/2019 - 31/12/2019, nhà thầu tiến hành xử lý đốt rác, khối lượng đã được xử lý 2.967 tấn (đạt 2,5% khối lượng hợp đồng). Đã bốc dỡ, vận chuyển rác đạt hơn 15.460 tấn (đạt 13% khối lượng hợp đồng). Công suất đốt thực tế đạt 98,9 tấn/ngày. Vì sự chậm trễ và kéo dài nên thời gian dự kiến hoàn thành khối lượng hợp đồng của nhà thầu kéo dài đến tháng 3/2022.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hệ thống thiết bị đốt rác, nhà thầu (Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam) dự thầu bằng 5 lò đốt SH7-1000, công suất 5 tấn/giờ.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, nhà thầu thay đổi thiết bị, công nghệ đốt thành 11 lò hiệu Sankyo - NAFCI, công suất 500kh/giờ và bổ sung 1 lò đốt HTB 100 công suất 100 tấn/ngày.
Việc thay đổi này được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, việc thay đổi thiết bị đốt rác với 11 lò hiệu Sankyo - NAFCI không hoạt động. Nguyên nhân là do các lò này hoạt động không hiệu quả kinh tế (hao phí nhiều nhiên liệu, nhân công, chi phí thử khí thải cao do nhiều ống khói) nên nhà thầu không sử dụng.
Lò đốt HTB 100 đã hoạt động nhưng tạm dừng do thiếu nguồn nhân công vận hành. Trong hệ thống lò đốt, nhà thầu chưa đầu tư thiết bị sấy lồng quay trước khi đốt…
Theo đánh giá tác động môi trường được duyệt thì 11 lò hiệu Sankyo - NAFCI và Lò đốt HTB 100 hoạt động cùng lúc mới đạt công suất khoảng 190 tấn/ngày. Tuy nhiên thực tế chỉ hoạt động 1 lò HTB 100 thì không đảm bảo công suất. Qua vận hành, công suất đốt thực tế đạt 98,9 tấn/ngày…
Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Trà Vinh chỉ ra nguyên nhân chính là do nhà thầu thực hiện cùng lúc 2 dự án dẫn đến việc huy động nguồn tài chính, nhân lực gặp nhiều khó khăn. Việc thay đổi hệ thống xử lý đốt rác bằng 11 lò đốt hiệu Sankyo - NAFCI không phù hợp với việc đốt rác cũ nên không hiệu quả kinh tế dẫn đến phải điều chỉnh phương án gây kéo dài thời gian.
Đối với chủ đầu tư (Sở TN&MT Trà Vinh), việc đánh giá, lựa chọn công nghệ, thiết bị lò đốt rác không phù hợp với việc đốt rác cũ (theo kết quả vận hành thục tế), nội dung hợp đồng không quy định tiến độ chi tiết để kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng.
Chủ đầu tư xem xét, thống nhất việc kiến nghị điều chỉnh thiết bị lò đốt rác so với hồ sơ dự thầu (11 lò đốt hiệu Sankyo - NAFCI) không phù hợp, dẫn đến việc các thiết bị này vận hành không hiệu quả, phải tiếp tục điều chỉnh làm mất nhiều thời gian…