TPHCM yêu cầu trường học không tạo áp lực kiểm tra định kì

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM vừa ra thông báo hướng dẫn công tác tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ cấp tiểu học năm học 2022-2023.

Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM).
Một tiết học của học sinh Trường tiểu học Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM).

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, thời gian tổ chức kiểm tra định kì các môn học căn cứ vào phân phối chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng của từng khối lớp. Tuy nhiên, các trường linh hoạt bố trí, tránh cận các ngày lễ. Các trường tuyệt đối không tạo áp lực kiểm tra định kì đối với học sinh, chỉ xem như một hoạt động đánh giá thông thường hàng ngày.

Trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch ôn tập và có kế hoạch phụ đạo riêng cho học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm, gặp khó khăn trong học tập, thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình nhằm chuẩn bị các điều kiện học tập thật tốt, tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình.

Việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu.

Đối với học sinh các khối lớp 1, 2, 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT TPHCM lưu ý các nhà trường tổ chức kiểm tra phải phù hợp yêu cầu cần đạt của chương trình đối với từng khối lớp, từng mạch kiến thức, kỹ năng và cách triển khai các mạch này trong sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, nhà trường sử dụng các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo các mức: Mức 1 là nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập; mức 2 là kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự; mức 3 là vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ