Điều này, vừa gây ô nhiễm môi trường sống, vừa mang nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh và gây áp lực lớn thu gom và xử lý rác.
Hiện nay, tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ đầu mối của TPHCM đạt khoảng 240 tấn/ngày, trong đó, gần 90% lượng rác có nguồn gốc từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ.
Bà Trần Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ Bình Điền cho biết: Thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, Công ty đã tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các tiểu thương, khách đến mua hàng bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, xả rác đúng nơi quy định.
Bên cạnh đó, Công ty đã trang bị và bố trí các thùng rác, xe chứa rác phù hợp để thu gom phế phẩm hàng hóa, rác thải sinh hoạt tại các nhà lồng chợ và các khu vực xung quanh; tăng cường vệ sinh, thu gom rác thải trong các nhà lồng vào giờ hoạt động ban đêm nhằm bảo đảm thu gom rác thải triệt để.
Qua 1 năm thực hiện Cuộc vận động, tình hình vệ sinh môi trường tại chợ đã có nhiều chuyển biến. Việc tuyên truyền vận động kết hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm đã tác động tích cực đến nhận thức của thương nhân kinh doanh tại chợ về giữ gìn vệ sinh môi trường. Hiện nay, trên 75% điểm kinh doanh tại chợ trang bị thùng rác sinh hoạt theo đúng quy định, vệ sinh môi trường trong nhà lồng chợ có nhiều chuyển biến so với trước đây.
Đặc biệt, Ban Quản lý chợ đã yêu cầu các thương nhân chủ động liên hệ nơi cung ứng hàng hóa thực hiện sơ chế tại nguồn trước khi nhập chợ. Việc tổ chức sơ chế hàng hóa nông sản tập trung tại các khu sơ chế khô, sơ chế ướt giúp Công ty kiểm soát nguồn thải tốt hơn. Vì vậy, lượng rác thải hữu cơ phát sinh do sơ chế hàng hóa giảm khoảng 10% - 20%/tháng. Cụ thể, trước đây mỗi ngày, lượng rác thải tại chợ là khoảng 80 tấn, hiện, con số này còn khoảng 50 tấn.
Ngoài ra, Ban Quản lý chợ đã đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể thương nhân, người lao động, các tổ chức đoàn thể về tác hại của rác thải nhựa; thay đổi thói quen sử dụng, phân loại, thu gom tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.