Đây cũng là dịp để các đơn vị nhìn lại 2 năm thực hiện chỉ thị 19 của Thành uỷ về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” và thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021.
Theo Sở GD-ĐT, trong hè năm 2019, Sở này đã tổ chức tập huấn pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ quản lý, giáo viên trường học trên địa bàn TP, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thực hiện Chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và chống rác thải nhựa.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở GD&ĐT TP đã ký Kế hoạch liên sở ngày 27/9/2019, phối hợp tổ chức Hội thi “Trường học xanh năm học 2019-2020" dành cho trường học ở tất cả các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Chỉ thị số 19 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” là một trong những chỉ tiêu đánh giá thi đua của các cơ sở giáo dục năm học 2019 – 2020 và năm học 2020-2021.
Hiện tất các các phòng GD-ĐT trên địa bàn TP đã thực hiện tốt với 100% cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm GDNN-GDTX và đơn vị trực thuộc Sở đều tiếp tục thực hiện chỉ thị nói trên.
Đồng thời có kế hoạch lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, ứng xử văn hóa, lối sống văn minh, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp trong chương trình đào tạo, giáo dục ngoại khóa, chính khóa cho học sinh tất cả các bậc học bằng nhiều hình thức phù hợp tại đơn vị.
Các đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục bảo vệ môi trường, chủ động, sáng tạo và có những biện pháp phù hợp với đặc thù đơn vị, xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp, giáo dục học sinh ý thức xây dựng môi trường học tập thân thiện, biết yêu thiên nhiên, yêu quý cây xanh và bảo vệ môi trường, phát triển diện tích cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ trong khuôn viên nhà trường và trước cổng trường.
Ngoài ra, các trường tổ chức tuyên truyền, phát thanh về bảo vệ môi trường, tổ chức ngày hội tái chế chất thải, thi thời trang giấy, thi quét nhà làm sạch lớp học, hướng dẫn học sinh trồng cây và cách chăm sóc cây xanh, xem phim về bảo vệ môi trường, trồng nhiều loại rau, cây ăn quả để học sinh tham quan.
Học sinh được tìm hiểu quá trình chăm sóc và phát triển của các loại, phối kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện phong trào chủ nhật xanh, chiến dịch tình nguyện, ra quân thực hiện tổng vệ sinh môi trường...
Bên cạnh đó, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thay đổi hành vi bảo vệ môi trường trong sinh hoạt hàng ngày như hạn chế sử dụng chai nhựa, ống hút nhựa, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chất thải nguy hại, chất thải tái sử dụng tại các cơ sở giáo dục, tự trang bị cho mình những đồ dùng, vật dụng thay thế; không sử dụng túi ni lông, chai nhựa, hộp xốp, hộp nhựa, túi ni lông.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn một số hạn chế như: một số khu vực ngoài nhà trường vẫn còn rác thải bỏ không đúng quy định, chưa đảm bảo vệ sinh xung quanh trường.
Một số trường vẫn còn tình trạng bán hàng trước cổng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, việc tuyên truyền không sử dụng túi ni lông chưa đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, nguồn kinh phí để tổ chức các chuyên đề, các cuộc tuyên truyền vận động còn hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục xác định những nội dung cụ thể, tổ chức chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch đến triển khai các nhiệm vụ thực hiện cho từng năm học và kế hoạch thực hiện trong 5 năm, thực hiện thường xuyên để thay đổi nhận thức của học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường.
Đặc biệt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh, mỗi trường học phải có những giải pháp phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của trường mình. Trường nào có khuôn viên chật hẹp, không có nhiều cây xanh phải có giải pháp phù hợp về truyền thông, tổ chức cho học sinh thực hiện.
Việc thực hiện các hoạt động về truyền thông và bảo vệ môi trường cần được trường học thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, mang tính bền vững.
Sở GD-ĐT cũng kiến nghị, chính quyền địa phương hỗ trợ nhà trường trong việc tuyên truyền với người dân có kế hoạch nâng cao mặt đường, tuyên truyền người dân không xả rác ra đường, nhất là bên ngoài khu vực trường học.
Dịch vụ công ích có biện pháp thực hiện việc thu gom rác đã phân loại theo quy định tạo sự đồng bộ.
Dịp này, hai sở cũng đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng 37 đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện tốt mô hình "Trường học xanh" trên địa bàn TP và ký kết kế hoạch phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường trong trường học giai đoạn 2021-2025