TPHCM: Trao giải cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới”

GD&TĐ - Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TPHCM vừa  tổ chức công bố, trao giải cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” tại Đường sách TPHCM. Kết quả giải Nhất thuộc về tác giả Tống Phước Bảo với tác phẩm “Tràng phan”.

Bà Đinh Thị Phương Thảo – Tổng biên tập NXB Văn hóa – Văn nghệ TPHCM (phải) và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trao giải Nhất cho tác giả Tống Phước Bảo
Bà Đinh Thị Phương Thảo – Tổng biên tập NXB Văn hóa – Văn nghệ TPHCM (phải) và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trao giải Nhất cho tác giả Tống Phước Bảo

Tác giả Tống Phước Bảo cho biết hiện đang làm công việc văn phòng cho một công ty tại TPHCM.

Tiếp theo, 1 Giải Nhì trị giá 15.000.000đ/giải thuộc về tác giả Võ Đăng Khoa với tác phẩm “CON BÉN”; 2 Giải Ba trị giá  10.000.000đ/giải thuộc về tác giả: Cát Lâm (Phạm Thị Lập) với tác phẩm “GIẤC MƠ RƠI Ở CHÂN CẦU” và tác giả Phan Đức Lộc với tác phẩm “ĐƯỜNG VỀ SAI CHẢN” cùng 5 Giải Tư và 1 giải do bạn đọc bình chọn.

Các tác giả đạt giải và Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi
 Các tác giả đạt giải và Ban tổ chức, Ban giám khảo cuộc thi

Theo bà Đinh Thị Phương Thảo – Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn hóa – Văn nghệ TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do đơn vị tổ chức (với sự tài trợ giải thưởng của một dự án thuộc Giải LiBeratupreis-Frankfurt 2018) được phát động từ ngày 22/12/2018 đến ngày 22/8/2019.

Ban Tổ chức đã nhận được 1.419 bài dự thi của các thí sinh trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài tham dự. Trang fanpafe của cuộc thi thành lập từ khi phát động cuộc thi đến nay đã thu hút được gần 6.000 thành viên với tần suất trung bình trên 10.000 lượt tiếp cận mỗi status trên fanpage; trong đó có 452 truyện ngắn được tuyển chọn qua vòng sơ khảo và được đăng trên fanpage cuộc thi. Hàng tháng, Ban Tổ chức mời một nhà văn tham gia chấm thi và quyết định giải thưởng của tháng.

Từ 1.419 bài dự thi, Ban Giám khảo gồm GS.TS Huỳnh Như Phương, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà báo Đinh Thị Phương Thảo đã chọn ra 19 truyện ngắn xuất sắc nhất của 19 tác giả vào vòng chung kết. Các tác phẩm này được tập hợp xuất bản trong tập sách “Một nửa làm đầy thế giới”, cuốn sách cũng được xuất bản kịp thời và có mặt trong buổi tổng kết trao giải. Cuốn sách được các thành viên của fanpage cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” trao tặng danh hiệu Hoa hậu của năm 2019.

Được biết, Giải thưởng Liberaturpreis là Giải thưởng do Litprom - Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi và Mỹ Latin ở Frankfurt (Đức) - thực hiện hàng năm nhằm vinh danh các tác giả nổi tiếng đến từ các nước châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latin và các nước Ả Rập. Năm 2018, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – đại diện cho Việt Nam là người được vinh dự nhận giải thưởng văn học danh giá này.  

Ngoài tiền thưởng cá nhân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư còn được nhận thêm một khoản kinh phí để thực hiện dự án viết dành cho nữ giới tại Việt Nam. Ý tưởng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cùng với quyết tâm của Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ đã cho ra đời cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã dành nguồn kinh phí được tài trợ cho toàn bộ giải thưởng của cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới”.

TPHCM: Trao giải cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” ảnh 2Ấn phẩm "Một nửa làm đầy thế giới" ra mắt dịp 20/10

“Những người đàn bà trong tập truyện này tạo nên thế giới của riêng họ, đồng thời làm tròn đầy sự hiện hữu của cõi nhân sinh. “Một nửa” chỉ là cách nói hình ảnh. Thật ra, phụ nữ là tất cả cuộc đời này. Sự khiếm khuyết hay tổn thương của thế giới đó sẽ làm khiếm khuyết và tổn thương đến cả nhân loại. Có thể nói nữ giới quang gánh trên vai và mang nợ cho cả loài người.

Những truyện ngắn trong tập này toát lên lời cảnh báo về hiện trạng gia đình và xã hội Việt Nam. Sau chiến tranh và nghèo đói là nạn bạo hành, cạm bẫy, lường gạt, phụ rẫy, phản bội và nguy cơ tan vỡ. Những người phụ nữ bé mọn chịu đựng và nhạy cảm trước những biến động đó ngay khi họ một mình một bóng. Nhờ sự nhạy cảm và thiên tính nữ giới, họ tìm cách chữa trị những vết thương, bổ sức cho chính mình và cho cả cuộc đời khốn khó này” - GS.TS Huỳnh Như Phương nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ