TPHCM: Trách nhiệm bồi thường vụ cháy bãi xe tang vật

GD&TĐ - Khi xảy ra hỏa hoạn hay bị mất cắp xe, tang vật khác đang bị tạm giữ thì trách nhiệm trước tiên thuộc về người được giao trách nhiệm quản lý bảo quản tang vật.

Hàng nghìn xe máy bị tạm giữ đã cháy rụi, trơ khung.
Hàng nghìn xe máy bị tạm giữ đã cháy rụi, trơ khung.

Ngày 7/6, Công an TP Thủ Đức cho biết, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TPHCM điều tra nguyên nhân vụ cháy xảy ra tại kho tang vật và phương tiện vi phạm của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TPHCM.

Khoảng 13 giờ 40 phút chiều ngày 6/6, nhiều tiếng nổ lớn phát ra ở một bãi xe tại số 16 đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Theo nhiều nhân chứng tại hiện trường, khi vụ cháy xảy ra bên trong bãi giữ xe có hàng nghìn chiếc xe. Sau hơn 2 giờ xảy ra vụ cháy lớn, đám cháy mới được dập tắt.

Đến sáng 7/6, bước đầu lực lượng chức năng xác định có khoảng 2.244 xe máy và 10 xe ô tô bên trong. Hiện các đơn vị liên quan vẫn đang thống kê thiệt hại với những con số cụ thể. Dư luận và người có xe bị tạm giữ do vi phạm luật giao thông đang khá hoang mang khi không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi hoàn tài sản bị thiệt hại.

Về vấn đề trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại, luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM nhận định trước hết phải nhìn nhận lại điều kiện, quy định nơi tạm giữ tang vật bị xử phạt vi phạm hành chính. Khi xảy ra hỏa hoạn hay bị mất cắp xe, tang vật khác đang bị tạm giữ thì trách nhiệm trước tiên thuộc về người được giao trách nhiệm quản lý bảo quản tang vật.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cá nhân, tổ chức có tang vật, phương tiện bị tạm giữ khi được giao quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện có trách nhiệm bố trí nơi tạm giữ và thực hiện các biện pháp, yêu cầu đảm bảo an toàn theo quy định.

Theo luật sư Thường, nếu tài sản bị mất, hư hỏng do lỗi của họ gây ra thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thực hiện việc phân loại từng tang vật, phương tiện và báo cáo người đứng đầu cơ quan được giao trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật.

Phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là máy móc, phương tiện có sử dụng xăng, dầu hoặc các nhiên liệu dễ gây cháy nổ thì khi đưa vào nơi tạm giữ phải để cách biệt với nguồn lửa, nguồn nhiệt. Đồng thời, đối với thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, để bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ, phải chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng chữa cháy.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại, luật sư Thường cho biết, bên bảo quản tài sản tạm giữ, cầm giữ, phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản. Do đó, người đang trực tiếp bảo quản xe, cơ quan CSGT phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại các xe bị cháy nổ cho các chủ xe.

Nếu các bên không thương lượng được thì kiện ra tòa án. “Trường hợp, điều tra xác định được người nào có hành vi cố ý gây cháy nổ, hư hỏng thì cá nhân, cơ quan đang trực tiếp quản lý sẽ yêu cầu người đó phải bồi thường thiệt hại cho ngân sách Nhà nước”, luật sư Thường nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ