TPHCM tổng kiểm soát phương tiện giao thông: Lời cảnh báo đến học sinh, sinh viên

GD&TĐ - Hàng loạt trường hợp ô tô, xe máy chạy quá tốc độ, không đúng làn đường, người lái xe máy không đội mũ bảo hiểm, dừng đỗ không đúng quy định... đã bị cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản xử phạt trong hai ngày đầu tiên thực hiện đợt cao điểm tổng kiểm soát các phương tiện tại TPHCM.

Cảnh sát giao thông TPHCM ra quân kiểm tra các phương tiện giao thông. Ảnh: CSGT TPHCM
Cảnh sát giao thông TPHCM ra quân kiểm tra các phương tiện giao thông. Ảnh: CSGT TPHCM

Hai ngày hơn 1.350 trường hợp vi phạm

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM vừa đồng loạt ra quân trong đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát các loại xe khách, xe container và mô tô trên địa bàn. Cao điểm diễn ra trong thời gian một tháng, chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 15 đến hết ngày 29/7/2019 và đợt 2 từ ngày 30/7 đến hết ngày 14/8/2019.

Dù thông tin về kế hoạch thực hiện cao điểm đã được công bố trước đó, tuy nhiên tình trạng các phương tiện vi phạm vẫn khá phổ biến. Trong đó, tập trung nhiều lỗi vi phạm như chạy quá tốc độ, chạy sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm, nồng độ cồn cao, dừng đỗ sai quy định... Phòng CSGT Công an TPHCM cho biết, tính từ sáng 15/7 đến ngày 16/7, các tổ công tác thực hiện kiểm tra 1.969 trường hợp. Trong đó, CSGT đã lập biên bản 1.353 trường hợp vi phạm (gồm xe khách, container, xe máy, ô tô con, xe tải). 

Trao đổi với báo chí, Đại úy Phan Xuân Trường, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành cho biết: Ngay ngày đầu ra quân đơn vị huy động 100% cán bộ, chiến sĩ tuần tra kiểm soát. CSGT tập trung xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy, chạy quá tốc độ, lưu thông không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt, chở quá số người; không đội mũ bảo hiểm... “Đợt ra quân này nhằm kiềm chế và kéo giảm các vụ TNGT và nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Lời cảnh báo với học sinh, sinh viên

Trong 2 ngày cao điểm kiểm tra, tại TPHCM có khoảng gần 20 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên (HSSV). Trước đó, theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM, tính đến hết tháng 5/2019, đơn vị đã xử lý hơn 137 HSSV vi phạm các hành vi như: Không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông, không có giấy phép lái xe, không có chứng minh thư nhân dân, không có đăng ký xe, vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ…

Qua tìm hiểu, con số HSSV bị xử phạt trong 2 ngày qua có lẽ chưa phản ánh hết tình trạng vi phạm vì thực tế không ít gia đình đã cho con là học sinh phổ thông tạm thời né đi xe máy phân khối lớn trong dịp này. Một phụ huynh cho biết: “Đằng nào cũng mua xe máy cho con đi học rồi, lại không có người đưa đón, thôi thì… tạm grab cho qua đợt cao điểm”.

Thiếu tá Trần Xuân Đức - Phó Đội trưởng, Đội Tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM cho biết: Để bảo đảm cho HSSV tham gia giao thông an toàn, thời gian qua Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM đã thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn TP, tổ chức công tác tuyên truyền ATGT đến với HSSV cũng như bảo đảm ATGT trước các cổng trường.

Hiện Công an TPHCM và Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp xây dựng quy chế giáo dục ATGT cho HSSV. Theo đó, HSSV có vi phạm Luật An toàn giao thông thì phòng CSGT sẽ lập danh sách và gửi về cho Sở GD&ĐT TPHCM, từ đó sẽ gửi về các trường. Trường sẽ phân loại đánh giá hạnh kiểm HSSV theo từng mức độ… Nhiệm vụ này Phòng CSGT Công an TPHCM vẫn phối hợp thực hiện thường xuyên. Tuy vậy, tình trạng HSSV vi phạm quy định giao thông vẫn còn nhiều.

Thiếu tá Trần Xuân Đức lưu ý, song song với việc tổng kiểm tra của ngành Công an, về phía các trường học cần làm tốt công tác tuyên truyền ATGT, đưa nội dung bảo đảm ATGT vào chương trình giảng dạy; hỗ trợ lực lượng an ninh, bảo đảm trật tự trước cổng trường, sắp xếp, nhắc nhở phụ huynh chỗ đậu xe đúng làn đường, đúng nơi quy định. Về phía gia đình, cần lưu ý khi các em chưa đủ 18 tuổi không điều khiển phương tiện giao thông trên 50cc. Khi tham gia giao thông các em cần tuân thủ pháp luật và phải đội mũ bảo hiểm. Đối với sinh viên, phải có giấy phép lái xe, giấy tờ phương tiện. Việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của lực lượng công an là cần thiết nhưng quan trọng nhất vẫn là giáo dục ATGT tốt từ gia đình và nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ