TPHCM tìm hướng đi cho thị trường tín chỉ carbon

GD&TĐ - ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức Tọa đàm “Thị trường carbon-dự báo tác động và định hướng chính sách từ TPHCM”, gợi mở chính sách về thị trường carbon cho TP.

Hoạt động giao thông là một trong 3 nguồn phát thải khí nhà kính ở TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)
Hoạt động giao thông là một trong 3 nguồn phát thải khí nhà kính ở TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Công cụ kinh tế quan trọng

Tọa đàm được Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp. GS.TS Sử Đình Thành, Giám đốc UEH cho rằng, thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Thị trường carbon được chia thành hai loại: Thị trường bắt buộc (sản phẩm là các hạn ngạch phát thải khí nhà kính) và thị trường tự nguyện (sản phẩm là các tín chỉ carbon).

Thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, cho phép các tổ chức mua bán, trao đổi các hạn ngạch phát thải khí nhà kính và một tỷ lệ nhất định các tín chỉ carbon.

Thị trường carbon bắt buộc đã được chứng minh là có hiệu quả nhất trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Chẳng hạn, theo Hệ thống thương mại khí thải Liên minh Châu Âu (EU-ETS) là thị trường carbon bắt buộc lâu đời và thành công nhất thế giới, đã giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực EU hơn 40% kể từ năm 2005. Thị trường liên kết California-Quebec là thị trường carbon bắt buộc ở Bắc Mỹ, đã giúp giảm phát thải khí nhà kính trong khu vực hơn 10% kể từ năm 2013.

Song hành với thị trường carbon bắt buộc là thị trường carbon tự nguyện, trong đó cho phép các cá nhân và tổ chức mua và bán tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải carbon dư thừa hoặc không thể tránh khỏi trên cơ sở tự nguyện.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Giảng viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (UEH) cho rằng, thị trường carbon tự nguyện tạo ra một cơ chế hiệu quả giúp đẩy nhanh các hành động nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Nhu cầu tín chỉ carbon trong thị trường carbon tự nguyện đã tăng đáng kể trong những năm gần đây khi nhiều doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu về trách nhiệm xã hội và môi trường; ngày càng nhiều cá nhân muốn bù trừ “dấu chân” carbon của mình.

Thị trường carbon tự nguyện là xu thế, xu hướng của thế giới. Từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu đã ban hành cơ chế thuế carbon xuyên biên giới (CBAM - Carbon Border Adjustment Mechanism), nhằm đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh thương mại quốc tế và thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính.

CBAM sẽ áp dụng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu vào EU dựa trên lượng khí thải khí nhà kính (trực tiếp và gián tiếp) phát thải trong quá trình sản xuất. Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU trong ngắn hạn.

Theo các chuyên gia, cần thêm nhiều nghiên cứu, phân tích đa chiều tác động của CBAM và tận dụng các lợi thế, phát triển các sáng kiến nhằm tăng tốc lộ trình đạt mục tiêu trung hòa carbon cho Việt Nam cũng như TPHCM.

Hoạt động bốc xếp hàng ở cảng Tân Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Hoạt động bốc xếp hàng ở cảng Tân Cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. (Ảnh: Lê Nam)

Hướng tới mục tiêu "Net Zero"

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, TPHCM - một thành phố năng động và phát triển nhanh chóng nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí (phát thải hơn 60 triệu tấn CO2/năm, chiếm khoảng từ 18-23% cả nước).

Việc triển khai thị trường carbon vào năm 2028 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành phố. Đây sẽ là công cụ hiệu quả giúp giảm thải khí nhà kính hướng đến đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Thị trường carbon sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả hơn các đầu vào sản xuất, từ đó góp phần gia tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc phát triển thị trường carbon tự nguyện sẽ giúp thành phố tạo nguồn thu đáng kể thông qua phát hành và bán tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải khí nhà kính từ các nguồn năng lượng dồi dào như Mặt trời, gió và rác thải. Ngoài ra, thị trường carbon sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường, thu hút nguồn tài chính khí hậu quốc tế…

Nhóm nghiên cứu thị trường carbon đề xuất, TPHCM cần tham gia tích cực hơn vào thị trường carbon tự nguyện, đồng thời những chính sách phát triển thị trường carbon phải gắn với cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Theo đó, TPHCM phải ban hành chính sách quy định về nguồn vốn tài trợ và các phương thức sử dụng vốn cho hoạt động phát triển dự án phát hành tín chỉ carbon. Cơ chế tài chính rõ ràng giúp thành phố phân bổ nguồn lực công hợp lý, đồng thời đáp ứng được nhu cầu về vốn trong suốt vòng đời của dự án nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng của tín chỉ carbon có thể phát hành.

Việc triển khai các dự án phát hành tín chỉ carbon cần phải đáp ứng được yêu cầu của các cơ chế định giá carbon. Nếu các dự án phát hành thành công tín chỉ carbon sẽ mang đến nguồn thu lớn vào ngân sách. Chính vì vậy, thành phố cần có chính sách quy định rõ việc sử dụng và giám sát các nguồn thu này cho mục đích tái đầu tư vào các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường.

Với vai trò là người mua tín chỉ carbon, TPHCM cần xây dựng lộ trình và các nền tảng nghiên cứu rõ ràng độ xác thực và đáng tin cậy của các tín chỉ carbon được phát hành bởi các tổ chức; gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và tham khảo kinh nghiệm của thế giới để thành lập các quỹ cho mục đích bảo vệ môi trường.

Về cơ chế ứng phó với thuế carbon xuyên biên giới, ThS Đặng Thị Bạch Vân, Giảng viên Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (UEH) đề xuất, chính quyền thành phố ban hành một loại phí mới, chẳng hạn như phí carbon và sử dụng nguồn thu này hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu.

Theo bà Vân, TPHCM cũng có thể chủ động đẩy mạnh đầu tư vào các tài sản công trên địa bàn để có thể giảm thiểu phát thải từ việc sử dụng điện, hướng đến lộ trình trở thành một nhà cung cấp tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện.

TPHCM được xác định là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần nhất do Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) công bố cho thấy trung bình mỗi năm tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố hơn 60 triệu tấn CO2; trong đó, có 3 nguồn thải chính: Hoạt động công nghiệp (gần 20 triệu tấn CO2), giao thông (hơn 13 triệu tấn CO2), còn lại là sinh hoạt và các hoạt động khác. Thành phố cũng đang phải đối mặt trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực và khủng hoảng kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.