Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa trình UBND TP về việc rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.
Đáng chú ý dự thảo đề án quy định nội dung về 7 trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải đóng phí đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội.
Hè phố nhiều nơi vẫn đang bị chiếm dụng
Dự thảo đề án mà Sở GTVT trình UBND TPHCM nêu rõ các trường hợp sử dụng vỉa hè phải đóng phí gồm: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; điểm lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; điểm trông, giữ xe có thu phí.
Ngoài các trường hợp trên, Sở GTVT cũng đưa 3 trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường phải đóng phí gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông, giữ xe có thu phí.
Được biết, dự thảo đề án trên được Sở GTVT thực hiện nhằm thay thế Quyết định số 74 (nhằm quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP) để trình lại UBND TP xem xét. Trước dự thảo đề án của Sở GTVT trình UBND TPHCM, xã hội đã có hai luồng ý kiến rõ rệt, một bên ủng hộ, một bên thì cho rằng không nên.
Anh Lê Thái Phương, công tác trong ngành xây dựng, ngụ tại đường Đình Phong Phú, TP Thủ Đức, nêu ý kiến: “Tôi thấy đề xuất này là hợp lý, bởi thực tế hiện nay các vỉa hè tại TPHCM đều được người dân có nhà mặt tiền tận dụng buôn bán, sử dụng.
Việc chiếm dụng vỉa hè dai dẳng suốt nhiều thập kỷ qua không thể xử lý thì việc thu phí như đề xuất của Sở GTVT TPHCM là hợp lý. Anh sử dụng vỉa hè buôn bán tạo ra nguồn thu thì việc phải đóng phí thuế là chuyện dĩ nhiên, vì vỉa hè bản chất không phải là tài sản sở hữu nghiễm nhiên của những nhà mặt tiền như cách nghĩ của nhiều người hiện nay”, anh Phương nói.
Đồng tình với quan điểm của anh Phương, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí sử dụng vỉa hè không chỉ tạo ra nguồn thu lớn thêm vào ngân sách cho TP, tránh việc những nguồn thu không nhìn thấy (bảo kê) chảy vào túi số ít cá nhân, mà quan trọng hơn sẽ giúp người kinh doanh tận dụng vỉa hè sẽ phải lựa chọn, một là đóng phí sử dụng, hai là thu dẹp trả lại vỉa hè cho người đi bộ.
Tuy cho rằng việc thu phí sử dụng vỉa hè là hợp lý nhưng cũng có ý kiến cho rằng cách làm này cũng sẽ kéo theo những hệ lụy xấu, khi vỉa hè chắc chắn sẽ bị những người kinh doanh tận dụng và khai thác tối đa, người đi bộ sẽ mất đi quyền lợi và đối diện với nguy hiểm khi tham gia lưu thông.
Trái ngược với ý kiến đồng tình, phần đông ý kiến phản đối thu phí là những người đang lấn chiếm, kinh doanh vỉa hè. Anh Trần Trọng Linh, chủ cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng trên đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức, cho rằng việc mình sử dụng vỉa hè nhà mình kinh doanh buôn bán mà phải đóng phí là sự phi lý.
“Nhà tôi mặt tiền có mỗi khoảng sân và vỉa hè tiệm cận mặt đường để sử dụng kinh doanh, giờ bắt tôi đóng phí tôi thấy có cái gì đó không ổn. Quản lý xã hội bằng chính sách pháp luật là đúng, nhưng đừng quản lý kiểu cứ làm không được là ra luật cưỡng ép”, anh Linh nói.
Góc nhìn từ luật gia và nhà quản lý
Tại TPHCM, những khoảng trống vỉa hè còn sót lại không bị lấn chiếm chủ yếu rơi vào mặt tiền công sở, nhà thờ hay trường học do có lực lượng bảo vệ. |
Về đề xuất từ dự thảo của Sở GTVT TPHCM, luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, nếu TP thực hiện khai thác hợp lý sự hữu dụng của các vỉa hè, lòng đường sẽ đem lại nhiều lợi ích nhất định.
Đầu tiên, việc thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè nhằm xây dựng văn hóa vỉa hè, góp phần làm đẹp cho bộ mặt TP. Nếu không thu phí và không cho kinh doanh trên vỉa hè, người dân cũng sẽ lấn chiếm, càng mất trật tự hơn. Do vậy, thu phí kinh doanh trên vỉa hè là một trong những giải pháp nhằm quản lý tốt hơn.
Thứ hai, việc thu phí nhằm đóng vào ngân sách Nhà nước để duy tu, bảo dưỡng đường bộ, bến bãi và trực tiếp là vỉa hè.
Tiếp theo, việc thu phí nhằm nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố, hướng tới xây dựng văn hóa vỉa hè, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Việc thu phí cũng sẽ giúp kiểm soát lấn chiếm vỉa hè thông qua thu phí vỉa hè, cho phép sử dụng tạm một phần vỉa hè của các hộ mặt tiền, sẽ vừa đảm bảo công bằng, đồng thời giúp chủ hộ biết được ranh giới sử dụng của mình đã đóng phí, không lấn chiếm ra ngoài, nếu không sẽ bị xử phạt.
Tuy vậy, luật sư Lê Bá Thường cho rằng, đối tượng thu phí cần có những quy định cụ thể, rõ ràng, kể cả những hộ sử dụng mặt tiền trên vỉa hè. Chính quyền TP có chủ trương tốt mang lại lợi ích, nhưng nếu các cấp cơ sở vận dụng trong thực tiễn không thấu tình đạt lý thì cũng rất khó mang lại hiệu quả cao, mà còn gây bức xúc và lo lắng cho người dân.
Thực tế trước khi có dự thảo này của Sở GTVT TPHCM, UBND TP đã rất quyết liệt chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại TP thông qua hàng loạt đợt ra quân trọng điểm, điển hình là việc UBND Quận 1 làm quyết liệt vấn đề này trong suốt một năm.
Kết quả sau các đợt ra quân chấn chỉnh của cơ quan chức năng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè có giảm, nhưng sau đó một số khu vực bị tái chiếm trở lại, đa dạng các hoạt động buôn bán như sách báo, hàng ăn, hàng uống, quần áo cũ, cho đến các dịch vụ như sửa xe, hớt tóc, bãi giữ xe...
Vì vậy, TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng Viện Đào tạo Kinh tế quốc tế - đặt ra câu hỏi: Khi UBND TP thông qua đề xuất trên, liệu các cấp chính quyền có đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh và công bằng ở tất cả các khu vực để người dân không cảm thấy bức xúc?
Bài toán đặt ra là cần sự giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là trật tự kỷ cương trong quản lý đô thị và một bên là cuộc sống của một bộ phận người dân hiện nay sử dụng vỉa hè làm nơi kiếm sống.