TP.HCM sau 1 năm triển khai Chương trình mới: Chất lượng giáo dục cao hơn

GD&TĐ - Chiều 26/5, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3 trong giờ học. Ảnh minh hoạ
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Quận 3 trong giờ học. Ảnh minh hoạ

Theo đó, năm học 2020 - 2021, toàn thành phố có 554 trường tiểu học (gồm tất cả các loại hình), với 652.684 học sinh (HS). Tỉ lệ HS tiểu học 2 buổi/ngày đạt 75,8%. Riêng với lớp 1, có 111. 039 HS được học 2 buổi/ngày đạt tỉ lệ 82,6%.

Hội nghị trực tuyến tại nhiều điểm cầu ở các quận, huyện và TP Thủ Đức
Hội nghị trực tuyến tại nhiều điểm cầu ở các quận, huyện và TP Thủ Đức

Tuy có nhiều khó khăn và thách thức như  thiếu giáo viên bộ môn, tỷ lệ học 2 buổi/ngày vẫn còn hạn chế ở một số đơn vị, sĩ số học sinh cao...  nhưng GD Tiểu học TP.HCM đã nỗ lực để hoàn thành “mục tiêu kép” vừa thực hiện chương trình GDPT hiện hành vừa triển khai Chương trình GDPT 2018, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lí (CBQL) và tập huấn sách giáo khoa lớp 1.

Học sinh Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Quận 4 trong giờ học
Học sinh Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Quận 4 trong giờ học

Sau một năm thực hiện các trường đều đánh giá và nhận định tích cực về chương trình GDPT 2018. Chất lượng HS lớp 1 có sự tiến bộ rõ rệt về phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù.

HS đạt yêu cầu, mục tiêu đặt ra, có kết quả khá cao. Kết quả này khẳng định chương trình GDPT 2018 so với chương trình hiện hành, HS đã được tiếp cận một cách nhẹ nhàng, GV chủ động, sáng tạo trong dạy học.

HS lớp 1 được đánh giá tự tin và tích cực trong quá trình học tập, đọc thông, viết thạo hơn, đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết...

Học sinh lớp 1 Trường TH Linh Chiểu, TP Thủ Đức. Ảnh minh hoạ
Học sinh lớp 1 Trường TH Linh Chiểu, TP Thủ Đức. Ảnh minh hoạ

HS lớp 1 phát triển năng lực tốt hơn so với khi học chương trình cũ, thể hiện ở khả năng tự chủ, giao tiếp, hợp tác, ngôn ngữ, tư duy; chủ động thảo luận nhóm đôi hoặc nhóm bốn khi gặp các yêu cầu khó; làm chủ được kiến thức, có cơ hội bộc lộ, phát huy tiềm năng và những kiến thức đã học.

Đặc biệt trong môn Tiếng Việt, HS đọc và viết thành thạo hơn so với chương trình trước. Riêng môn Hoạt động trải nghiệm, đã hình thành cho HS những năng lực thích ứng với cuộc sống, bên cạnh đó, HS được khám phá tối đa thế mạnh của bản thân mình.

Theo Sở GD-ĐT TP, chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 đã thành công, đáp ứng mục tiêu giáo dục tiểu học, yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục, phát huy năng lực và phẩm chất của HS.

Tuy nhiên, vẫn còn một số HS chưa theo kịp chương trình, còn khó đọc, khó viết, làm tính sai và kiểm tra lại, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các Phòng cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục xây dựng kế hoạch phụ đạo và có giải  pháp cụ thể cho từng HS, không để HS “bị bỏ lại phía sau” vì hổng kiến thức.

Học sinh lớp 1 Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 trong ngày hội trải nghiệm có chủ đề Một thoáng quê hương. Ảnh minh hoạ
Học sinh lớp 1 Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 trong ngày hội trải nghiệm có chủ đề Một thoáng quê hương. Ảnh minh hoạ

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, kết quả sau năm đầu thực hiện chương trình GDPT 2018 cho thấy chất lượng giáo dục cao hơn năm học trước.

Chương trình giúp phát triển năng lực và phẩm chất người học, tức không chỉ dạy học sinh biết đọc, biết viết mà còn phải đọc đúng cách, viết đúng cách và hiểu sâu kiến thức.

Lãnh đạo Sở yêu cầu các phòng GD-ĐT tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học và thiết bị chuyên dùng để sớm điều chỉnh kế hoạch mua sắm cho phù hợp.

Phòng GD-ĐT phải chủ đạo và chủ động trong việc tham mưu UBND quận, huyện trong việc bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng dạy học cho học sinh.

Dịp này, Sở GD-ĐT cũng đã trao giấy khen cho 36 tập thể, 24 cá nhân thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 lớp 1 năm học 2020-2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ