TP.HCM rà soát các điều kiện thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2018

GD&TĐ - Để chuẩn bị cho việc tiếp tục thực hiện chương trình GDPT 2018 trong năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn TP.HCM đã tích cực rà soát về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên.

Học sinh Trường Tiểu học Phong Phú 2, huyện Bình Chánh trong giờ học. Ảnh minh hoạ
Học sinh Trường Tiểu học Phong Phú 2, huyện Bình Chánh trong giờ học. Ảnh minh hoạ

Theo bà Phạm Thuý Hà, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Quận 4, để chuẩn bị cho năm học 2021-2022 cũng như tiếp tục triển khai chương trình GDPT mới, Quận 4 đã yêu cầu các trường rà soát để nắm tình hình về trang thiết bị dạy học phù hợp đáp ứng cho dạy học theo chương trình mới.

Về cơ sở vật chất trường lớp, cũng như năm học 2020-2021, Quận 4 đảm bảo cho 100%  học sinh tiểu học và THCS học 2 buổi/ngày. Về SGK lớp 2 và lớp 6, hiện nay các trường đã công khai thông tin sau khi UBND TP.HCM công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 cho năm học 2021-2022.

Học sinh tiểu học tại Quận 4 tham gia ngày hội tiếng Anh do Phòng GD-ĐT Quận tổ chức. Ảnh minh hoạ
Học sinh tiểu học tại Quận 4 tham gia ngày hội tiếng Anh do Phòng GD-ĐT Quận tổ chức. Ảnh minh hoạ 

Tương tự,  Quận 6 cũng đảm bảo 100% học sinh bậc tiểu học học 2 buổi/ngày. Ở khối THCS có 100% học sinh các khối lớp 6 và 7 học 2 buổi/ngày, khối 8 và 9 đạt khoảng 90%.

Dự kiến, năm học 2021-2022, số học sinh đang học lớp 1 sẽ lên lớp 2 khoảng 4.200 em, học sinh lớp 5 lên lớp 6 khoảng 4.000 em. Quận 6 chủ động đảm bảo cơ sở vật chất, bổ sung phòng học kịp thời. Cùng với đáp ứng về số phòng học, quận cũng tiến hành rà soát để bổ sung các trang thiết bị cần thiết.

Khác với Quận 6 và Quận 4, do áp lực về dân số cơ học tăng nhanh, kéo theo học sinh hằng năm tăng, Quận 12 gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất khi triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.

Năm học 2020-2021, Quận 12 có khoảng 11.800 học sinh lớp 1, trong đó chỉ có gần 39% học sinh được học 2 buổi/ngày. Các khối lớp còn lại của cấp tiểu học, tỷ lệ học 2 buổi/ngày thấp hơn so với lớp 1. Năm học này, trên địa bàn Quận 12 không có trường tiểu học nào mới đưa vào sử dụng. Chính vì vậy, Quận phải cân nhắc kĩ để ưu tiên phòng học cho học sinh học chương trình mới.

Với học sinh khối 6, năm học 2021-2022, địa bàn có 6.600 học sinh đang học lớp 5 lên lớp 6 nhưng chỉ có thêm một trường THCS Tân Thới Nhất được đưa vào sử dụng. Quận sẽ ưu tiên phòng học cho khối lớp 6 đạt 25% học sinh học 2 buổi/ngày khi thực hiện chương trình mới.

Năm học 2020-2021 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ Quận 12 có 19 lớp 1, học sinh học trên 5 buổi/tuần. Ảnh minh hoạ
Năm học 2020-2021 Trường Tiểu học Lê Văn Thọ Quận 12 có 19 lớp 1, học sinh học trên 5 buổi/tuần. Ảnh minh hoạ 

Tại huyện Bình Chánh, dự kiến năm học mới cấp tiểu học sẽ đưa vào sử dụng thêm một trường Tiểu học mới. Tuy nhiên, địa bàn huyện Bình Chánh vẫn thiếu cục bộ về trường lớp ở xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B nên học sinh lớp 1 tại hai xã này chưa được dạy học 2 buổi/ngày. Phương án đưa ra là dạy học trên 5 buổi/tuần.

Riêng THCS dự kiến tuyển sinh khoảng 6.801 học sinh lớp 6,  trong đó có hơn 67% học sinh được học 2 buổi/ngày. Địa bàn huyện có 4 trường THCS không thể tổ chức cho học sinh lớp 6 học 2 buổi/ngày.

Tại Quận Tân Phú, từ năm học 2020-2021, theo lộ trình mỗi năm, quận sẽ thí điểm một trường với 100% HS học hai buổi/ngày, ngoài các trường đã có điều kiện thực hiện. Ở những nơi chưa có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày sẽ thực hiện dạy học trên 5 buổi/tuần để đảm bảo chương trình.

Phương án này cũng được nhiều quận, huyện gặp khó khăn về nâng cao tỷ lệ học 2 buổi/ngày triển khai. Cụ thể, các trường tận dụng tối đa cơ sở vật chất, tổ chức dạy học ngày thứ Bảy, tăng cường liên kết với nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa, trung tâm thể dục thể thao để giảm áp lực về phòng ốc.

Học sinh tại Quận Tân Phú tham gia ngày hội STEM. Ảnh minh hoạ
Học sinh tại Quận Tân Phú tham gia ngày hội STEM. Ảnh minh hoạ 

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT kiến nghị UBND TP chỉ đạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện phải thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/1 vạn dân trong độ tuổi đi học với lộ trình và các giải pháp cụ thể.

Đồng thời cần thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp song song với quy hoạch dân cư, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là giải pháp nền tảng để 100% học sinh theo Chương trình GDPT 2018 được học 2 buổi/ngày và giải quyết tình trạng thiếu lớp, trường vẫn diễn ra cục bộ tại một số địa phương.

Ngày 7/4, UBND TP.HCM đã có quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 và điều chỉnh, bổ sung danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở GD phổ thông từ năm học 2021 - 2022 trên địa bàn TP.

Theo danh mục SGK lớp 2 được phê duyệt sử dụng trong các cơ sở GD phổ thông trên địa bàn TP từ năm học 2021-2022, các môn Toán, tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất đều là các đầu sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Riêng môn tiếng Anh lớp 2 có 3 đầu sách được phê duyệt gồm Family and Friends - National Edition (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart Start (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM) và Phonics-Smart (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM).

Đối với khối lớp 6, có 10 môn được phê duyệt 1 đầu sách gồm Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật âm nhạc, Nghệ thuật Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Công nghệ. 

Môn tiếng Anh khối lớp 6 có 3 đầu sách được phê duyệt gồm Friends Plus (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), i-Learn Smart World (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM) và Right-on (Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM).

Môn Giáo dục công dân có 2 đầu sách được phê duyệt đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.