Dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, hàng hóa phục vụ Tết từ khắp các vùng miền đã rộn ràng “cập bến” tại các chợ, siêu thị, cũng như các tuyến đường, góc phố ở TPHCM.
Hàng hóa dồn dập đổ về
Cuối tuần qua, phiên chợ Xanh tử tế được tổ chức thường xuyên vào dịp cuối tuần ở góc đường Pasteur (Quận 3) nhộn nhịp người mua bán. Các loại đặc sản phục vụ thị trường Tết như thịt trâu gác bếp, măng khô, miến dong, mật ong rừng, chẩm chéo, các loại mứt, hạt điều… đã tập kết khá nhiều về phiên chợ để phục vụ người tiêu dùng TP.
Tranh thủ mua 2kg miến dong, 2kg măng khô và một số túi hạt bí, hạt điều…, chị Ngô Thị Huyền Trang (quận Tân Bình) hồ hởi cho hay, chỉ cần đến phiên chợ Xanh tử tế là có thể mua được đặc sản Tết của các vùng miền, đặc sản OCOP mà không cần đi đến tận nơi xa xôi.
“Tôi là khách hàng thường xuyên của phiên chợ. Nhiều lần mua hàng tôi đánh giá sản phẩm được bày bán là hàng mới, tươi ngon và có thể để ăn qua Tết Nguyên đán mà không lo hư hỏng, giá cả lại rất phải chăng, chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/món”, chị Trang nói.
Lý giải chuyện mua sắm hàng Tết sớm, chị Trang cho hay, năm nay Tết đến sớm nên tiện việc mua sản phẩm nông sản sạch để sử dụng hàng ngày tại phiên chợ, chị mua luôn các sản phẩm hàng mùa Tết.
“Nói vậy chứ đến sát Tết nhu cầu tăng cao sợ không mua được sản phẩm mình cần. Hơn nữa sát Tết thì mình còn phải dành thời gian đi mua sắm quần áo, trang hoàng nhà cửa nên giờ mua trữ được thì càng tốt”, chị Trang chia sẻ.
Những ngày này, dọc nhiều tuyến đường ở TPHCM, không khí Tết đã bắt đầu rộn ràng với sự xuất hiện của các loại hoa kiểng được bày bán khắp các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trần Não… (TP Thủ Đức), Thành Thái (Quận 10), Bắc Hải (Quận 10 và quận Tân Bình), Trần Văn Giàu (quận Bình Tân)… Tuy nhiên, lượng khách ghé mua các loại hoa kiểng thời điểm này chưa nhiều.
Tại một điểm bán hoa cúc trên đường Bắc Hải (Quận 10), một số loại hoa như cúc họa mi và cúc mâm xôi hiện có giá khá mềm. Chẳng hạn, cúc họa mi chỉ 50.000 đồng/chậu, trong khi cúc mâm xôi vàng bán lẻ chỉ 160.000 đồng/chậu, các màu cúc mâm xôi khác như tím, trắng, đỏ được bán với giá 220.000 đồng/chậu.
“So với năm ngoái, giá các loại hoa được niêm yết giảm từ 30.000 - 50.000 đồng/chậu”, chị Linh - chủ điểm bán hoa cúc chia sẻ.
Tại một điểm bán bonsai bưởi diễn trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), anh Tuấn - chủ lô bonsai cho hay, những chậu kiểng này được chuyển từ miền Bắc vào TPHCM hơn 2 tuần nay để phục vụ người dân chơi Tết.
“Năm nay, chúng tôi dự kiến bán mỗi chậu với giá giảm khoảng 10% - 15% so với năm 2024 để người dân dễ dàng mua chơi Tết. Như vậy, giá mỗi chậu sẽ dao động từ 10 - 40 triệu đồng/chậu, hy vọng loại trái này sẽ mang nhiều tài lộc, may mắn đến với mọi người”, anh Tuấn nói.
Tại các chợ sỉ, chợ đầu mối TPHCM, hàng Tết cũng bắt đầu tấp nập đổ về, các mặt hàng phong phú, đa dạng. Năm nay, giá các sản phẩm không tăng nhiều so với mọi năm, các tiểu thương cũng nhập hàng vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tại chợ Bình Tây (Quận 6, khu chợ sỉ bánh kẹo lớn nhất TPHCM), những ngày này không khí mua bán trở nên nhộn nhịp hơn. Lượng hàng hóa các loại với số lượng lớn tập kết về phục vụ tối đa nhu cầu người tiêu dùng.
Ông Minh - tiểu thương khu chợ này chia sẻ, thời điểm này người dân đến chợ mua sắm tấp nập hơn. “Hàng hóa về chợ ngày một tăng, so với tháng trước tăng khoảng 50 - 60% tập trung ở các mặt hàng bánh kẹo, mứt, đồ khô… Năm nay, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nên buộc mình phải làm việc với nhà cung cấp để duy trì mức giá hợp lý, thậm chí giảm giá nhiều loại mứt để hút người mua”, ông Minh nói.
Trong khi đó, tại các hệ thống siêu thị, hàng hóa Tết cũng tấp nập trưng bày trên các quầy kệ ở vị trí bắt mắt. Các đơn vị bán lẻ cũng tung ra hàng loạt chương trình giảm giá, khuyến mãi dịp cuối năm.
Chẳng hạn, tại Saigon Co.op, ngoài chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu phục vụ Tết, đơn vị này cũng đang triển khai thực hiện khuyến mãi Tết với chủ đề “Đến Co.op chở Tết về” liên tục từ 1/12/2024 đến 28/1/2025, với 3.500 mặt hàng Tết giảm giá từ 50% trở lên, bao gồm bánh mứt kẹo, bánh chưng, bánh tét, giò chả, lạp xưởng, khô bò, dưa hành củ kiệu, các loại hạt, nước giải khát…
Tương tự, các siêu thị Big C, GO!, Tops Market… cũng mở nhiều gian hàng đặc trưng Tết như lễ hội thịt heo, lễ hội đồ chua, giò chả, chương trình giá sốc giảm 50%, mua 1 tặng 1.
“Siết” chất lượng, “soát” nguồn gốc
Hiện tại, mùa cao điểm mua sắm Tết đang diễn ra, nhưng tình hình hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc đang xâm nhập thị trường, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm, bánh kẹo…
Trước tình hình này, Sở Công Thương TPHCM đã ban hành công văn khẩn yêu cầu các đơn vị tăng cường rà soát, kiểm tra và xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng, nguồn gốc hàng hóa Tết.
Cụ thể, Sở Công Thương TPHCM đề nghị Cục Quản lý thị trường TPHCM, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt chú trọng kiểm tra hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh, kho hàng, đặc biệt là những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo và đồ trang trí Tết.
Các đơn vị này phải phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cũng như hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc và không có chứng từ hợp lệ.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM yêu cầu các hệ thống bán lẻ triển khai hiệu quả chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, kịp thời chia sẻ thông tin về các nhà cung cấp vi phạm cam kết chất lượng. Đồng thời, các hệ thống bán lẻ cần đẩy mạnh công tác truyền thông tại các điểm bán, hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt và ưu tiên lựa chọn sản phẩm có “Tick xanh trách nhiệm”.
Đối với các sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương TPHCM yêu cầu các đơn vị tìm kiếm và hợp tác với các nhà cung cấp uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm để bổ sung nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Các sàn cần chú trọng kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt, các địa phương và đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các dấu hiệu của hàng giả, hàng nhái và hàng hết hạn sử dụng, khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng từ các doanh nghiệp uy tín.
“Dự kiến, trung bình mỗi tháng Tết, các doanh nghiệp tại TPHCM sẽ cung ứng ra thị trường 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…”, Sở Công Thương TPHCM thông tin.