Ngày 23.4, tại Cần Giờ, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trao đổi thông qua đề án phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa TP.HCM. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dự hội nghị.
“Cát tặc” ngày càng lộng hành
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, cho hay những năm gần đây do khan hiếm vật liệu xây dựng, nhất là cát san lấp, giá cát tăng cao nên việc khai thác cát trái phép tại địa bàn đến mức báo động. “Cát tặc” khai thác liều lĩnh, tổ chức quy mô, rầm rộ, nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Việc khai thác cát trái phép không chỉ gây mất an ninh, trật tự ở địa phương mà còn gây nguy cơ sụt lún ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng người dân.
|
Những tàu hút ngàn tấn khai thác cát lậu trên biển Cần Giờ. |
Trong giai đoạn 2015 - 2018, Cần Giờ phát hiện xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép. Trong đó năm 2015 có 12 trường hợp (xử phạt 250 triệu đồng), năm 2016 phát hiện 26 trường hợp (xử phạt hơn 1,35 tỉ đồng), năm 2017 phát hiện 48 trường hợp (xử phạt hơn 1,48 tỉ đồng), năm 2018 phát hiện 65 trường hợp (xử phạt hơn 21,6 tỉ đồng)... Thống kê cho thấy vi phạm khai thác cát trong năm 2017 - 2018 tăng gấp 3 lần so với năm 2015 - 2016.
Theo ông Dũng, việc xử lý khai thác cát trái phép có những khó khăn về pháp lý, phương tiện, trang thiết bị, kinh phí kiểm tra... Mặt khác, các đơn vị kiểm tra thường bị “cát tặc” theo dõi nên khi kiểm tra phải thuê phương tiện của ngư dân, vừa bị động vừa tốn kém. Chưa kể có nhiều đối tượng sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi kiểm tra. Điển hình như Đồn biên phòng Cần Thạnh gần đây khi phối hợp kiểm tra đã gặp phải 3 vụ chống đối của “cát tặc”...
Nhiều sai sót trong xử lý, công an cũng “nhúng chàm”
Tại hội nghị, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, thẳng thắn chỉ ra một số thiếu sót trong xử lý khai thác cát trái phép. Đầu tiên là xử phạt sai đối tượng, thay vì xử phạt pháp nhân thì lại tập trung vào xử phạt cá nhân. Theo ông Minh, hầu hết vi phạm khai thác cát thời gian qua tập trung vào các công ty với khối lượng lớn. Thống kê năm vừa rồi của Công an TP.HCM cho thấy đa phần phương tiện vi phạm bị bắt giữ có tải trọng trên 1.000 tấn là từ các vùng biển phía bắc, đối tượng vi phạm hầu hết cư ngụ ở phía bắc, thậm chí các tàu này thế chấp ngân hàng cũng từ phía bắc, rồi mới đến các tỉnh sông nước ở miền Tây là Tiền Giang, Bến Tre, Long An...
Sai sót tiếp theo là xử phạt không đúng hành vi vi phạm, thể hiện nhiều nhất qua việc chỉ xử phạt một lần trên số lượng cát thu được mà không xác minh những hành vi vi phạm trước đó, bán bao nhiêu cát trái phép và không có nguồn gốc. Mới đây có 5 phương tiện bị bắt giữ, Công an TP.HCM đề nghị không xử phạt hành chính vi phạm lúc đó mà cộng dồn những lần giao cát trái phép cho dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành để chuyển xử lý hình sự.
Ông Minh cũng cảnh báo cơ quan xử lý đã bỏ qua một chứng cứ rất quan trọng là hệ thống định vị ở các phương tiện tàu bè. Dữ liệu hành trình này thể hiện tàu đã dừng ở khu vực có mỏ cát để thực hiện bơm hút. Thậm chí, nếu “cát tặc” phi tang, xóa bỏ dữ liệu thì lực lượng hình sự, giám định vẫn có thể phục hồi được dữ liệu để chứng minh phương tiện này trước đó có bao nhiêu lần vi phạm, bán cát cho công trình nào... “Rất tiếc, lâu nay xử lý chúng ta lại bỏ qua những cái đó”, thiếu tướng Minh nói.
Một bất cập rất đáng lưu ý mà thiếu tướng Minh nêu là hiện công an rất kiên quyết xử phạt hành vi khai thác cát trái phép, nhưng hầu hết các công trình, kể cả công trình sử dụng vốn ngân sách, công trình công ích rất quan trọng về phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, đều sử dụng cát khai thác trái phép. Nếu làm nghiêm thì có nguy cơ các công trình này đình trệ. Ngoài ra, trong việc bắt giữ, xử lý khai thác cát trái phép cần phải coi lại lực lượng công an. Vừa rồi, ông phải xử nghiêm một vụ tiêu cực trong xử lý cát lậu liên quan đến cán bộ công an.
Xây dựng nhà giàn chống “cát tặc” trên biển
Trong phần giải pháp, thiếu tướng Phan Anh Minh cho hay nếu tính trữ lượng thì toàn bộ cát ở miền Nam chỉ đủ cho riêng TP.HCM sử dụng trong 2 năm là hết. “Có quá nhiều công trình sử dụng cát san lấp mà không tính đến nguồn. Nên chăng rà soát lại các mỏ đang đóng, không cho khai thác”, ông Minh nói và đề nghị Sở Xây dựng TP chỉ cấp phép xây dựng khi chủ đầu tư cung cấp nhà thầu san lấp cát từ nguồn hợp pháp.
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết trên thực tế nếu chỗ nào có tàu biên phòng đóng chốt thì khai thác cát trái phép giảm hẳn. Từ đó, ông lưu ý ở những điểm có khai thác cát trái phép nhiều nên làm một chốt kiểm tra kiểu nhà giàn, vừa có chức năng bảo vệ an ninh quốc phòng vừa phát hiện ngăn chặn “cát tặc”. Việc xây chốt này, theo ông Nhân là không quá khó khăn và cơ quan chức năng nên phối hợp với UBND Cần Giờ tiến hành xây dựng. Trong thời gian chờ xây chốt, Bộ đội biên phòng TP.HCM cần huy động tàu, nhất là hai tàu mới nhận, lập những chốt canh gác di động trên biển Cần Giờ. Ở trên bờ, các địa phương cần xử lý nghiêm, dẹp những điểm kinh doanh, điểm tập kết vật liệu xây dựng không có giấy phép cũng như phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh lân cận phòng chống, xử lý nghiêm tận gốc tình trạng khai thác, kinh doanh cát lậu.