Sầm Sơn,Thanh Hóa: Con cá 1 tấn được xẻ thịt có thể là cá voi có nguy cơ tuyệt chủng

GD&TĐ - Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), loài này được xếp vào nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, bậc EN.

Con cá quý hiếm được người dân xẻ thịt trên đường phố Sầm Sơn hồi đầu tháng 5 vừa qua. Ảnh: Người dân cung cấp.
Con cá quý hiếm được người dân xẻ thịt trên đường phố Sầm Sơn hồi đầu tháng 5 vừa qua. Ảnh: Người dân cung cấp.

Đó là khẳng định ban đầu trong công văn số: 1035/TCTS-BTPTNL của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gửi Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa về việc xác minh, xử lý trường hợp khai thác, sơ chế, chế biển loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm

Văn bản nêu: Ngày 5/5 trên các phương tiện thông tin đại chúng, Tổng cục Thủy sản nhận được thông tin trường hợp cá thể cá Nhám bị khai thác, giết mổ trên địa bàn TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo thông tin sơ bộ ban đầu, có thể đây là loài cá nhám voi (Rhincodon typus). Loài này thuộc phân lớp cá sụn Elasmobranchii, lớp cá sụn (Chondrichthyes) - loài có kích thước to lớn trong lớp cá sụn. Theo đánh giá của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), loài này được xếp vào nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn, bậc EN.

Hiện nay, cá nhám voi (Rhincodon typus) thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại Phụ lục II, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (gọi tắt là Nghị định 26/2019/NĐ-CP).

Công văn của Tổng cục Thủy sản- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Công văn của Tổng cục Thủy sản- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 26, các loài thuộc Nhóm I chỉ được khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu, hợp tác quốc tế (trước khi khai thác phải có văn bản chấp thuận khai thác do Bộ NN&PTNT cấp). Vì vậy, các trường hợp khai thác loài thuộc Nhóm I vì mục đích khác là trái pháp luật.

Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT  Thanh Hóa phối hợp với cơ quan chức năng xác minh thông tin đối với trường hợp khai thác, sơ chế, chế biến cá thể cá nhám theo thông tin báo chí đã đưa trong thời gian qua. Yêu cầu giám định để xác định tên khoa học chính xác đến cấp độ loài để làm căn cứ xử lý theo quy định (nếu có). Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác, mua bán, vận chuyển, sơ chế, chế biến các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm cho ngư dân và người dân trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thủy sản và Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Chiều nay (15/5), trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Cường - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sau khi nhận được công văn của Tổng cục Thủy sản của Bộ NN&PTNT, đơn vị đang làm việc với chính quyền địa phương để xác định rõ trách nhiệm của những người liên quan đến việc xẻ thịt loài cá quý hiếm để xử lý theo quy định.

Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một số người dân TP Sầm Sơn xẻ thịt một con cá màu đen nặng khoảng 1 tấn rồi bày bán công khai trên đường phố.

Tuy nhiên, ngày 6/5, ông Trần Học Đính - Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến, khẳng định con cá lớn bị ngư dân xẻ thịt không phải là cá nhám voi mà là cá diều hoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.