Hoàng Mai (Hà Nội): Trường học xuống cấp, thầy trò “vã mồ hôi”

GD&TĐ - Sau hơn 40 năm xây dựng, đến nay cơ sở vật chất của Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều hạng mục, phòng học thậm chí cả dãy nhà dù đã bị nghiêng, tường trần bong tróc nhưng vẫn phải gia cố để sử dụng… Hàng ngày, cả nghìn học sinh và các thầy cô giáo “sống trong sợ hãi” vì công trình có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Hệ thống dầm sắt đỡ các hạng mục lan can và hành lang của khu nhà hiệu bộ
Hệ thống dầm sắt đỡ các hạng mục lan can và hành lang của khu nhà hiệu bộ

Nỗi niềm trường xuống cấp

Đón chúng tôi với nét mặt lộ rõ âu lo, thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định - cho biết: Trường THPT Trương Định được xây dựng từ năm 1973, đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên kiến trúc và các hạng mục xây dựng, gồm 2 khối phòng học 3 tầng với tổng số 30 phòng học và khối nhà làm việc cùng một số hạng mục phụ trợ khác. Hệ thống phòng học do xây dựng từ quá lâu nên xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm: Mái dột, các khối nhà lún, nứt, 1 khối nhà học đã nghiêng…

Với vị trí nằm ở trung tâm đô thị quận Hoàng Mai nên nhu cầu về cả số lượng và chất lượng giáo dục đối với nhà trường là rất cấp thiết. Hiện Trường THPT Trương Định có 43 lớp với gần 2.000 học sinh, do đó, dù nhiều phòng học xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là dãy nhà B có dấu hiệu bị nghiêng, nhưng đến nay vẫn phải sử dụng vì không có lớp học thay thế. Trong một số tình huống cấp bách, nhất là mùa mưa bão, học sinh buộc phải “sơ tán” sang các phòng học khác để đợi khắc phục, gia cố tạm thời.

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, nhiều cột trụ chịu lực ở dãy nhà B, các mảng bê tông, vôi vữa đã bị bung vỡ để lộ phần gạch, cốt sắt thép gỉ sét, mục nát. Nhiều bức tường nứt toác ngang dọc có thể nhìn thấu, lớp vữa trát phía ngoài và lớp sơn bị bong tróc rơi xuống từng mảng lớn. Trần nhà bị nứt nẻ, thấm dột, rêu mốc. Khu vực lan can các dãy nhà A, nhà B nhiều đoạn bị xuống cấp nghiêm trọng. Cầu thang bộ các dãy nhà, cửa sổ, cửa chính bị hư hỏng; nền gạch bong tróc, nứt nẻ… chỉ cần một lực tác động nhẹ, các mảng vữa cũng có thể rơi xuống. Các thầy cô và học sinh của trường luôn lo sợ tai nạn xảy ra bất thình lình.

Chỉ cho chúng tôi những điểm mới được gia công sau khi bong tróc, sụt lún ông Trần Văn Huynh - cán bộ phụ trách cơ sở vật chất nhà trường - cho biết, hệ thống cơ sở vật chất nhà trường sau hơn 40 năm xây dựng đã xuống cấp. Rõ nhất là khu vực hành lang từ nhà hiệu bộ sang các phòng học tòa nhà B. “Còn nhớ trận lụt năm 2008, Trường THPT Trương Định là trường bị ngập sâu và phải nghỉ lâu nhất trong số các trường học của Hà Nội. Những năm qua nhà trường đã cố gắng đầu tư xử lý hệ thống thoát nước nên tình hình đã khả quan hơn rất nhiều. Những trận mưa đã không còn là nỗi ám ảnh đối với thầy và trò nhà trường nữa. Nhưng sự xuống cấp của hệ thống cơ sở vật chất sau hơn 40 năm xây dựng và khai thác cũng ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục của trường…”, ông Huynh nói.

Khu vực hành lang từ nhà hiệu bộ dẫn sang các dãy nhà A, B và các phòng học đều xuống cấp nghiêm trọng
  • Khu vực hành lang từ nhà hiệu bộ dẫn sang các dãy nhà A, B và các phòng học đều xuống cấp nghiêm trọng

Ước vọng ngày mai

Gần nửa thế kỷ đã đi qua, Trường THPT Trương Định vẫn giữ nguyên kiến trúc và các hạng mục xây dựng ban đầu. Theo thời gian, cơ sở hạ tầng xuống cấp, quy mô và công năng sử dụng như vậy có lẽ sẽ rất khó khăn cho nhu cầu học tập hiện nay cũng như những đổi mới của ngành Giáo dục Thủ đô theo hướng hiện đại, tiên tiến.

Em Nguyễn Trọng Đức - học sinh lớp 11A8 - cho biết, các phòng học có hiện tượng bong tróc tường, đổ lan can... “Sau gần 2 năm học tại trường, cá nhân em cũng như nhiều bạn học khác đều rất mong trường được sớm xây mới để có môi trường học tập an toàn, khang trang...”, Đức chia sẻ.

Còn em Ngô Minh Phương, học sinh lớp 11A2 - cho hay: “Lúc đầu em cảm thấy khá lo sợ, nhưng nhà trường đã thông báo và nhắc nhở bọn em về tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp và tiến hành gia cố các điểm này. Chúng em vẫn yên tâm học tập, vui chơi trong khuôn khổ cho phép nhưng luôn muốn trường sớm được khởi công xây dựng. Bọn em cũng sợ khi phải học tại ngôi trường xuống cấp như vậy…”, Minh Phương nói.

Nói về những việc cần làm trong thời gian tới thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng nhà trường - bày tỏ: “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là mục tiêu lớn của nhà trường, tuy vậy, tiêu chí về diện tích, điều kiện cơ sở vật chất, hiện nay không đủ để đạt chuẩn. Mặc dù khó khăn nhưng thầy và trò luôn cố gắng và quyết tâm thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Phương châm được đặt ra cho mỗi cán bộ, giáo viên là “Chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế”. Chúng tôi rất mong muốn trường được xây dựng lại cơ sở vật chất nhằm đáp ứng quy mô trường lớp và chương trình đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại, toàn diện”.

Phần trần, tường và nền các phòng học qua thời gian đã xuống cấp
Phần trần, tường và nền các phòng học qua thời gian đã xuống cấp 

Theo tìm hiểu, trước tình trạng xuống cấp của Trường THPT Trương Định, ngày 6/9/2018 tại Văn bản số 495 của HĐND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng cải tạo Trường THPT Trương Định và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án năm 2019 - 2020, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu đào tạo và cảnh quan sư phạm, trường đạt chuẩn quốc gia.

Liên quan đến tình trạng xuống cấp của Trường THPT Trương Định, thông tin với Báo GD&TĐ ông Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) - cho biết, đây là nội dung được TP Hà Nội rất quan tâm. “Thành phố giao cho Ban Quản lý dự án làm chủ đầu tư, đơn vị này đang tập trung đẩy nhanh tiến độ. Những hạng xuống cấp, Sở chỉ đạo nhà trường khắc phục tạm thời trong khi chờ thành phố cấp kinh phí, bảo đảm an toàn cho việc dạy học và mỹ quan môi trường giáo dục…”, ông Nguyễn Viết Cẩn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.