TPHCM phê duyệt chương trình vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội: 81 nghìn hộ dân được vay… 10 tỷ đồng

GD&TĐ - UBND TPHCM vừa phê duyệt phân bổ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho chương trình vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội năm 2019. 10 tỷ đồng sẽ là khoản vay ưu đãi mà hơn 81.000 hộ dân đang có nhu cầu tiếp cận để tìm một chốn an cư.

Nhà lưu trú Khu Chế xuất Linh Trung II, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức
Nhà lưu trú Khu Chế xuất Linh Trung II, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức

Nguồn vốn cho nhà ở xã hội đang bị bế tắc?

TPHCM có dân số đông nhất nước (hơn 11 triệu người) với tỉ lệ dân nhập cư tăng dần đều hàng trăm nghìn người mỗi năm. Ngoài áp lực về an sinh xã hội, TP còn đối mặt với việc giải quyết, bố trí chỗ ở cho người dân thuộc diện chính sách.

Vì vậy, khi ngân sách tín dụng của chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội năm 2019 chỉ là 10 tỷ đồng, nhiều người đang theo đuổi chính sách này cảm thấy không thể tin nổi. Khoản ngân sách ấy chẳng khác gì muối bỏ biển.

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM (thông qua khảo sát) trên địa bàn TP hiện có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, cán bộ công chức là 10.000 căn, hộ thu nhập nghèo là 39.000 căn, lao động trong KCN là 17.000 căn, còn lại là các nhóm đối tượng khác. Đa số trong các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê, mua nhà ở xã hội, chiếm tỉ lệ từ 65 - 94%.

Tại một hội thảo mới đây về nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng cho biết; nhu cầu về nhà ở xã hội của TPHCM giai đoạn 2011 - 2020 vào khoảng 134.000 căn. Tuy nhiên, gần 10 năm qua, TPHCM mới chỉ giải quyết được 30% nhu cầu nhà ở xã hội.

Ngoài các vướng mắc về chính sách, quỹ đất thì nguồn vốn được xem là rào cản lớn nhất khiến TPHCM chưa thể đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở của nhóm đối tượng này. Ba quận, huyện có lượng dân nhập cư và công nhân đông nhất gồm Quận 12, Bình Tân, Hóc Môn được phân bổ ngân sách tín dụng là 4 tỷ đồng. Thê thảm hơn là huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè ngân sách tài chính được phân bổ là 1 tỷ đồng…

Anh Trần Trung Phương (thương binh, giáo viên ở Quận 12) đã làm thủ tục vay tiền mua nhà ở xã hội 4 năm nay cho biết: “Hàng chục nghìn người có nhu cầu vay để mua nhà. Nhưng với ngân sách mới phê duyệt tôi thấy cơ hội của mình khó chẳng khác gì “hái sao trên trời”.

Quỹ tín dụng cho vay để thuê, mua nhà ở xã hội được đánh giá là một chính sách an sinh xã hội rất đúng đắn của TP. Nhưng với khoản ngân sách bố trí hàng năm nhỏ giọt và gần như không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế, tôi kiến nghị TP cần xem lại để tránh tính hình thức trong việc thực hiện chính sách”.

“Có thể nguồn lực ngân sách TP còn hạn chế nên nguồn vốn cho nhà ở xã hội đang bị bế tắc. Nhưng chắc chắn trong tương lai TP sẽ phải tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở xã hội. Bởi nó không chỉ là chính sách an sinh xã hội, mà còn là nhiệm vụ cấp bách của TP giai đoạn tới” - ông Châu chia sẻ. 
Ông Lê Hoàng Châu

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thì năm 2015, 2016, 2017 TPHCM gần như không bố trí thêm được ngân sách nào hỗ trợ cho chương trình Nhà ở xã hội, phải đến 6/2018 TP mới cấp cho chương trình này được 50 tỷ đồng.

Lối ra nào?

Trái ngược với nguồn ngân sách hạn hẹp của TP dành cho chương trình cho vay để thuê, mua nhà ở xã hội, Quỹ Phát triển Nhà ở TPHCM (HOF) vừa có báo cáo gửi UBND TPHCM về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2019 và kế hoạch hoạt động năm 2020 của đơn vị này.

Theo đó, trong năm 2019 đơn vị này ước tính đã giải ngân cho vay mua nhà với người có thu nhập thấp khoảng 305 tỷ đồng (tăng 93,15% so với năm 2018 - 157,91 tỷ đồng). Trong năm 2020, HOF đặt chỉ tiêu cho vay mua nhà với đối tượng thu nhập thấp là 360 tỷ đồng, tăng 18,03% so với năm 2019.

Theo báo cáo của HOF, sau 14 năm hoạt động, quỹ đã cho vay mua nhà với 4.600 cán bộ, công chức, viên chức… của TPHCM với tổng số tiền 1.960 tỷ đồng, giải quyết được phần vào sự bức thiết về nhà ở của người dân.

Được biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM dự kiến dành 21.834 tỷ đồng đầu tư nhà ở xã hội. Trong đó, vốn đầu tư nhà ở công nhân là 3.467 tỷ đồng, nhà ở sinh viên là 733 tỷ đồng, nhà ở tái định cư là 8.817 tỷ đồng và 8.817 tỷ đồng cho nhà ở thu nhập thấp.

Phát biểu tại Hội thảo Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu nguời sau 5 năm ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2025 vừa tổ chức, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định: Phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là nhiệm vụ lớn trong thời gian tới.

TP đang có 16 dự án nhà ở xã hội triển khai tại các quận, huyện dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm 2020 - 2021 với tổng quy mô hơn 7.320 căn hộ sẽ phần nào giải cơn khát nhà ở hiện nay của người thu nhập thấp và diện chính sách.

Chủ trương và chính sách của TPHCM là rất tốt và đúng đắn, nhưng theo nhiều chuyên gia bất động sản, dường như giữa mục tiêu và thực tiễn vẫn còn điểm vênh rất nhiều. Đặc biệt là về ngân sách, cơ chế (xét duyệt hồ sơ, quỹ đất triển khai) cho chương trình cho vay thuê, mua với mức lãi suất ưu đãi cho nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Tiến Long - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Khang Long nhận xét: “Thực tế, sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, Nhà nước gần như chưa có thêm chính sách hỗ trợ nào khiến cho chương trình nhà ở xã hội rơi vào bế tắc vì cạn vốn.

Trong khi đường đến nhà ở xã hội của người thu nhập thấp còn rất nhiều nhọc nhằn, nhiêu khê thì nhiều người có điều kiện, bằng cách nào đó lại có thể nghiễm nhiên hưởng lợi, mua được những căn hộ này với giá mềm để cho thuê.

Đây là điều mà những người làm chính sách của TPHCM cần phải nghiêm túc nhìn nhận, rà soát để cho những chính sách vì người dân, đặc biệt là dân nghèo, người có nhu cầu thật sự về nhà ở được phát huy hiệu quả”, ông Long nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.