TPHCM: Nhiều đổi mới mang tính đột phá trong năm học 2016 - 2017

GD&TĐ - Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị luôn chịu nhiều áp lực về tốc độ tăng dân số cơ học mạnh, kéo theo số học sinh (HS) không ngừng tăng lên theo từng năm học. 

TPHCM: Nhiều đổi mới mang tính đột phá trong năm học 2016 - 2017

Như năm học này, toàn TP tăng hơn 59.000 HS, nâng tổng số HS của TP lên gần 1,5 triệu em. Và để kịp đảm bảo đủ chỗ học cho con em trong năm học mới, TP đã rốt ráo đưa vào sử dụng hơn 2.000 phòng học mới với ngân sách đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.

Vui hơn cả là trong đó có những ngôi trường mà thầy trò và phụ huynh chờ hàng mấy chục năm trời đã được xây mới thay thế hoặc xây thêm để có chỗ học.

Không ngừng mở rộng trường lớp

Những ngày này, Ban giám hiệu, phụ huynh HS của Trường Tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) vô cùng phấn khởi khi ngôi trường mới sắp được hoàn thành để đưa vào sử dụng trong năm học này.

Trước đó, ngôi trường này được biết đến với những bài báo như “khai giảng trên sân thượng”, “Trường 30 năm không có sân chơi”… khi trường phải tận dụng một cơ sở 5 tầng để phục vụ việc học tập của con em trên địa bàn. Hàng ngày, HS phải leo qua những cầu thang nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng để vào lớp học của mình. Trường được xếp vào một trong những ngôi trường nghèo nhất của TP. Nơi đây cũng là ngôi trường học chủ yếu của con em các lao động nghèo…

Có lẽ vì vậy mà khi có được ngôi trường mới với diện tích khoảng 1.200 mét vuông, kinh phí hơn 20 tỷ đồng với 20 phòng học là niềm hạnh phúc khó tả hết của cô trò, của phụ huynh.

Cô Huỳnh Thị Bực, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Vậy là bao nhiêu năm chờ đợi, thầy cô giáo và các em đã có một ngôi trường khang trang rộng đẹp. Chúng tôi phấn khởi vô cùng, cảm thấy rất hạnh phúc. Năm học này các em đã có thể cùng nhau khai giảng ở sân trường, giờ chơi các em thoải mái tung tăng chứ không phải chen nhau ở hành lang nhỏ xíu…

Bên cạnh đó, nhiều ngôi trường được khánh thành trong các khu công nghiệp, khu chế xuất khiến biết bao công nhân, lao động nghèo vui mừng khôn xiết.

Cụ thể như Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) đã khánh thành tháng 6 vừa qua và hiện đã hoàn tất tuyển sinh để đón năm học mới. Trường được khởi công từ tháng 3/2015 trên diện tích hơn 2.000 m2 với một trệt, ba lầu, đáp ứng cho 17 nhóm lớp và một số phòng chức năng khác.

Tương tự, Trường Mầm non Đỗ Quyên - KCN Tân Bình và hai Trường Mầm non tại KCX Linh Trung I và KCX Linh Trung II ở quận Thủ Đức cũng đang ráo riết hoàn thành để con em của công nhân đón năm học mới.

Điều đặc biệt nữa của năm học này là tin vui với HS lớp 10 tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ khi được TP mở lớp 10 ngay trên xã đảo để đi học gần nhà chứ không phải đi học nội trú xa như mọi năm. Lớp 10 này được mở tại Trường THCS Thạnh An và sẽ thuộc phân hiệu của Trường THPT Cần Thạnh.

Ông Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lớp 10 này có 28 em và bắt đầu đi học từ 15/8. Theo đó, một ngày trường sẽ bố trí hai đến ba thầy cô ra đảo giảng dạy cho các em.

Nhiều đổi mới mang tính đột phá

Nói về những điểm mới và những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục TP trong năm học này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, ngành sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập trên cơ sở những thành công của các năm học trước.

“Theo đó, các trường phải chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phương pháp làm việc theo nhóm, tự chinh phục kiến thức thay cho việc nhồi nhét kiến thức; tăng cường tổ chức cho HS tham gia các tiết học ngoài nhà trường nhằm gắn liền lý thuyết với thực tiễn; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học ứng dụng trong thực tế cuộc sống hằng ngày” – ông Sơn nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Lê Hồng Sơn cũng cho rằng, ngành sẽ chú trọng giảm tải chương trình nhằm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, đạo đức của HSSV theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học. Ngành sẽ quan tâm hơn đến công tác giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất để HS phát triển toàn diện; không ngừng đầu tư và nâng cao năng lực tiếng Anh và tin học cho HS.

Trong đó, nội dung đổi mới quan trọng nhất được xã hội quan tâm nhất là TP đã được Bộ GD&ĐT đồng ý với chủ trương tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT dưới sự giám sát của Bộ GD&ĐT. Hiện Sở đã trình phương án thực hiện cụ thể, nếu được duyệt sẽ thực hiện trong năm học này.

Nói về điều này, ông Sơn cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm nay và các năm tới.

Theo đó, để làm hiệu quả và đồng bộ, TP cũng đang xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình của Bộ. Đồng thời sẽ cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường.

Năm học 2016 - 2017 là năm học đầu tiên mà TP triển khai mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế từ mầm non đến THCS với 23 trường, nâng tổng số trường thực hiện mô hình này của toàn TP là 26 trường. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các trường đủ điều kiện ngày càng phát triển và hội nhập, đáp ứng nhiều loại hình học tập cao cho con em để được phát triển một cách toàn diện và năng động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ