TPHCM: Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh cho giáo viên THPT

GD&TĐ - Hội thảo “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking” thu hút đông đảo giáo viên tiếng Anh các trường THPT tham gia.

Bà Hà Đặng Như Quỳnh chia sẻ về phương pháp tư duy Linearthinking.
Bà Hà Đặng Như Quỳnh chia sẻ về phương pháp tư duy Linearthinking.

Ngày 5/10, Trung tâm phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tạp chí Giáo dục TPHCM, Hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh bằng phương pháp Linearthinking”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, để TPHCM triển khai thành công, hiệu quả chương trình tiếng Anh, ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì quan trọng nữa đó là sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, còn là sự phát triển của hệ thống GDTX với đa dạng các loại hình, đưa ra nhiều kỹ năng, phương pháp hỗ trợ học sinh nâng cao năng lực tiếng Anh bên cạnh việc học ở trường phổ thông.

tap-huan-tieng-anh-6265.jpg
Ông Nguyễn Bảo Quốc phát biểu tại hội thảo.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cũng yêu cầu, mỗi thầy cô trong nhà trường cũng phải có sự năng động, vận động phát triển để đáp ứng được yêu cầu. Hội thảo là dịp để thầy cô cùng trao đổi về phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh trong trường học, thầy cô cần nghiên cứu vận dụng phù hợp với đối tượng học sinh nhà trường để nâng cao thêm năng lực học tiếng Anh của học sinh ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Là thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Notingham, Anh Quốc; Nghiên cứu sinh Giáo dục học, ĐH Reading, Anh Quốc-Giám đốc học thuật DoL English Đình Lực, bà Hà Đặng Như Quỳnh chia sẻ về phương pháp tư duy Linearthinking để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông.

tap-huan-tieng-anh-3-9415.jpg
Đông đảo giáo viên tiếng Anh bậc THPT tham gia hội thảo.

Theo bà Quỳnh, giáo viên cần xem việc dạy tiếng Anh không chỉ là dạy ngôn ngữ mà còn là dạy tư duy. Sẽ không tồn tại một cách dạy tiếng Anh “chuẩn” cho tất cả học sinh mà mỗi học sinh sẽ “là một bài toán cần giải”. Bởi các em có những tư duy logic khác biệt; kiến thức xã hội khác biệt; kiến thức nền về ngữ pháp, từ vựng khác biệt; thói quen học tiếng Anh khác biệt; cảm quan về tiếng Anh khác biệt.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Hiệu trưởng Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, Hội thảo là một trong những bước đi đầu tiên của các trường THPT trên địa bàn thành phố cùng với các bên liên quan để thực hiện một mục tiêu rất quan trọng trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị ngày 12/8/2024, đó là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

tap-huan-tieng-anh-1-2303.jpg
GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai phát biểu tại hội thảo.

“Tôi nghĩ rằng những phương pháp ngày hôm nay được chia sẻ bởi diễn giả khách mời là một gợi ý để chúng ta cùng suy nghĩ những cách làm hay, cùng nhau hợp tác để thúc đẩy năng lực sử dụng tiếng Anh không chỉ cho học sinh mà còn cho chính những đồng nghiệp ở các tổ bộ môn khác.
Tôi tin rằng, cách thức thúc đẩy năng lực tiếng Anh của học sinh không chỉ nằm ở phương pháp học, mà còn ở một môi trường thực hành thường xuyên, gắn bó với chính những sinh hoạt học tập hằng ngày của học sinh, và môi trường ấy không chỉ dừng lại ở không gian của một trường nào đó mà phải là của cả một cộng đồng học sinh của thành phố”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ