Theo đó, các cơ sở giáo dục rà soát, kiện toàn và duy trì hoạt động hiệu quả của ban chỉ đạo phòng chống dịch, các tổ an toàn Covid-19 để triển khai các biện pháp phòng chống dịch và phương án xử trí theo các tình huống. Các trường tổ chức diễn tập trước khi học sinh đi học trở lại với các tình huống như chưa có ca bệnh, có trường hợp nghi mắc, có F0, F1, F2…
Các trường cũng thực hiện việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch và cập nhật thường xuyên lên hệ thống bản đồ an toàn phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Tổ chức tập huấn cho các thành viên tổ an toàn Covid-19, đội ngũ nhân viên chuyên trách và kiêm nhiệm công tác y tế trường học về công tác phòng chống dịch, xử lý khi có trường hợp nhiễm Covid- 19, cách lấy mẫu xét nghiệm và phối hợp tổ chức được các hoạt động tiêm chủng tại trường học.
Ngoài ra Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường chủ động đề xuất và phối hợp với cơ quan y tế ở địa phương trong công tác tiêm chủng phòng Covid-19 cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đặc biệt chủ động phối hợp và lên phương án chuẩn bị để tiêm vắc xin phòng Covid-19 học sinh, sinh viên ngay khi có đủ điều kiện…
Được biết, ngày 31/8, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản đề xuất với UBND TP về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho gần 650.000 học sinh trong độ tuổi từ 12-18 với nguồn vắc xin cho phép tiêm trong độ tuổi này trước khi kết thúc học kỳ I năm học 2021 - 2022 để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp khi bắt đầu học kỳ 2 năm học 2021 - 2022.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, việc này nhằm đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện; đáp ứng mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình năm học; đặc biệt đối với học sinh khó khăn về cơ sở vật chất hoặc không có người thân hỗ trợ trong khi học tập trực tuyến.
Đồng thời, việc tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-18 tuổi cũng nhằm đảm bảo cho học sinh TP được an toàn, an tâm; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, giữ vững chất lượng giáo dục trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.