TPHCM: Trường học “khởi động” để đón học sinh trở lại

GD&TĐ - Sở GD&ĐT TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TPHCM về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn.

Giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (TPHCM) tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (TPHCM) tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Trong đó, Sở kiến nghị các cơ sở có mức độ tiêu chí an toàn dưới 30% sẽ không được tổ chức hoạt động.

10 tiêu chí để chấm điểm an toàn

Trước khi gửi UBND TP phê duyệt, dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục đã được Sở GD&ĐT gửi Sở Y tế góp ý, bổ sung với góc độ chuyên môn.

Theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất kết quả đánh giá nếu dưới 30%, cơ sở giáo dục sẽ không được phép tổ chức hoạt động dạy học, học sinh chưa thể quay lại trường… Bộ tiêu chí này là cơ sở để đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở giáo dục, từ đó đưa ra quyết định có được phép dạy học trực tiếp hay không?

Theo đó, đối với cơ sở mầm non và giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT TPHCM đưa ra 10 tiêu chí để chấm điểm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi tiêu chí thành phần tối đa được 10 điểm, gồm các nội dung như: Số lớp và số học sinh trong lớp không quá 50% số lượng quy định; khoảng cách học sinh, giáo viên trong phòng học từ 1 mét trở lên;

100% giáo viên nhân viên tiêm đủ 2 mũi vắc-xin; đạt tỷ lệ 1 vòi rửa tay có xà phòng/10 trẻ mầm non hoặc/30 học sinh; tất cả học sinh, giáo viên, nhân viên đeo khẩu trang; học sinh, trẻ mầm non, giáo viên được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, phân luồng 1 chiều khi vào trường, ra lớp; thành lập tổ an toàn Covid-19; hoạt động tổ chức bán trú, căng tin, xe đưa rước; phòng học được thông khí tốt; việc tổ chức nội trú đối với trường phổ thông và hoạt động sau 16 giờ 30 phút đối với trường mầm non.

Trong đó, các cơ sở giáo dục có mức tiêu chí an toàn từ 90 - 100% được đánh giá đạt mức độ an toàn rất cao, được tổ chức hoạt động, dạy học, chăm sóc giáo dục trẻ. Từ 70 đến dưới 90% là mức an toàn cao, được tổ chức hoạt động dạy học, chăm sóc, giáo dục trẻ nhưng phải thường xuyên kiểm tra để khắc phục hạn chế ở các tiêu chí thành phần thấp điểm.

Còn từ 30 đến dưới 50% là mức độ an toàn thấp, phải có giải pháp bảo đảm an toàn mới được tổ chức hoạt động dạy học, chăm sóc giáo dục trẻ. Dưới 30%, là mức độ an toàn rất thấp, không được tổ chức hoạt động dạy học, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Trước đó, trong cuộc họp với Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TPHCM ngày 14/9, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm 2020, Sở đã xây dựng Bộ tiêu chí này nhưng nay đã “trở nên lạc hậu” nên cần phải bổ sung, điều chỉnh. Khi quay trở lại trường, các trường sẽ kích hoạt luôn bộ tiêu chí mới này.

Học sinh TPHCM học trực tuyến.
Học sinh TPHCM học trực tuyến.

Khó có vùng xanh tuyệt đối

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho rằng: Bộ tiêu chí sở đưa ra là phù hợp với thực tế tại các địa phương.

Tuy nhiên, theo thầy Phạm Trung Hữu, các tiêu chí này cần áp dụng đối với vùng thật sự xanh, có nghĩa là trong khu vực có học sinh của mình và các khu vực lân cận đều đã được tuyên bố không có ca mắc Covid-19 trong vòng 24 ngày.

“Học sinh chưa có được tiêm vắc-xin để phòng chống Covid-19 thì nguy cơ lây nhiễm càng cao và khả năng lây lan rất nhanh. Vì lứa tuổi học trò sau khi được gặp lại chắc chắn việc bảo đảm an toàn và cách phòng chống không thể chủ quan do “tâm sinh lý lứa tuổi” hồn nhiên và nghịch ngợm …” - thầy Phạm Trung Hữu bày tỏ.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, điểm này cần phải xem xét lại vì số ca mắc Covid-19 vẫn còn cao. Đặc biệt tâm lý phụ huynh cũng chưa muốn cho con mình mạo hiểm khi trở lại trường, tuy có sự kiểm tra và bảo đảm an toàn, nhưng khi có sự cố, các em sẽ được ai chăm sóc? Có thể lấy phiếu khảo sát phụ huynh trước khi cho học sinh đi học lại.

“Hiện, nhiều trường học đang là khu cách ly và khu tiêm phòng Covid-19. Do đó, thời điểm phù hợp để trường học đón học sinh đi học trở lại khi số nhiễm Covid-19 trong khu vực không còn” - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai chia sẻ.

Trong khi đó, cô Thanh Phương - Hiệu trưởng một trường mầm non tại Quận 4, TPHCM nêu quan điểm: Nhà trường mà muốn mở cửa lại bắt buộc phải đạt các tiêu chí an toàn. Bên cạnh đó, khi mở cửa trở lại trường sẽ gặp một số khó khăn là phải dành 1 phòng để làm phòng cách ly riêng.

“Đối với những trường quy mô nhỏ sẽ gặp khó khăn, bởi không đủ phòng học mà còn phải sắp xếp phòng học để cách ly. Bên cạnh đó, kinh phí cho việc khử khuẩn, vệ sinh, nước rửa tay cũng là gánh nặng cho trường” - cô Thanh Phương chia sẻ.

Nói về việc đi học tập trung trở lại, chị Đan Trung - phụ huynh có lớp 8 (ngụ Quận 8, TPHCM) cho rằng: Hiện, số ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM còn nhiều (từ 4.000 - 5.000 ca mỗi ngày) do đó học sinh đến trường chưa thể an toàn. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng đang tham gia chống dịch cũng như mắc bệnh nên nếu đi học tập trung, nhiều trường sẽ không đủ giáo viên để dạy trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.