TPHCM làm gì để 'tăng tốc': Gỡ vướng dự án bất động sản, siêu dự án

GD&TĐ - Theo Cục Thống kê TPHCM, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Người dân tìm hiểu thông tin để mua bất động sản ở TPHCM. Ảnh: Quốc Hải
Người dân tìm hiểu thông tin để mua bất động sản ở TPHCM. Ảnh: Quốc Hải

Ngoài giải ngân đầu tư công, tập trung kích cầu, tăng sức mua, hỗ trợ doanh nghiệp… thì tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho dự án bất động sản, siêu dự án được coi là giải pháp đột phá. Nó có tính mũi nhọn, trọng tâm để “mở khóa” bài toán phục hồi và phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm của TPHCM.

Tháo gỡ để tăng thu

Tháng 4/2024, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) phê duyệt quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star của Công ty CP đầu tư Metro Star (thuộc Tập đoàn CT Group).

Đây là dự án nằm trong danh sách 148 dự án vướng mắc pháp lý của TPHCM. Đại diện chủ đầu tư cho biết, đã kiên nhẫn chờ hồ sơ gửi đi nhiều vòng. Hồ sơ đã mất 3 năm ở các sở, ngành, thanh tra, kiểm toán, UBND TPHCM... cho đến khi được giao về cho UBND TP Thủ Đức (tháng 8/2023) để ký theo phân cấp tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Metro Star chỉ là điển hình trong hàng loạt dự án được TPHCM nỗ lực gỡ vướng trong nửa đầu năm 2024. Theo đó, nhờ có hoạt động tích cực của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của UBND TPHCM, nỗ lực tự thân và tinh thần hợp tác của các chủ đầu tư, đến nay thành phố đã tháo gỡ khó khăn cho 44 dự án/148 dự án bị vướng mắc, đạt 30%.

Kết quả này đã góp phần giúp thị trường bất động sản TPHCM ghi nhận những tín hiệu đáng mừng khi doanh thu ổn định, mức tăng trưởng dù thấp, nhưng quý sau bắt đầu cao hơn quý trước.

Báo cáo của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 123.887 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Bình quân mỗi tháng TPHCM thu được hơn 20.600 tỷ đồng từ lĩnh vực này. Các khoản thu về nhà đất cũng là một điểm sáng trong nửa đầu năm 2024 của TPHCM (gần 7.170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ đạt 4.650 tỷ đồng).

Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố vẫn có khoảng 200 hồ sơ dự án bất động sản bị “đóng băng” vì vướng mắc ở khâu định giá đất. Theo đó, chỉ cần giải quyết được một nửa trong số này thì sẽ có hơn 80.000 sổ đỏ được cấp, mang về nguồn thu cho ngân sách thành phố hơn 80.000 tỷ đồng.

Bàn về vai trò của nguồn thu từ bất động sản với việc phát triển kinh tế TPHCM, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc (xin không nêu tên) thẳng thắn, thời gian qua, nguồn lực đất đai của thành phố đã được phát huy rất lớn. Tuy nhiên, trong thực tế, việc quản lý đất đai còn rất nhiều bất cập. Có hàng trăm văn bản luật liên quan đến luật đất đai. Có những văn bản chồng chéo, quy hoạch thiếu đồng bộ, thiếu minh bạch... là rào cản để phát triển.

Lãnh đạo doanh nghiệp này nêu quan điểm, hiện giá đất không theo kịp giá thị trường, giao dịch ảo là phổ biến. Điều này làm thất thu ngân sách rất lớn, gây lãng phí. Ngoài ra, thành phố hiện nay rất thiếu các quỹ đất lớn dành cho công cộng, giao thông, giáo dục, công nghệ cao,…

“Các địa chỉ nhà, đất công thuộc quản lý của các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Thực tế, thời gian qua, công tác phối hợp xử lý của TPHCM và các cơ quan Trung ương vẫn chưa quyết liệt. Điều này gây lãng phí tài sản công và thất thu ngân sách”, vị này nói thêm.

Để kỳ vọng không… nằm trên giấy

Trong 6 tháng đầu năm 2024, TPHCM không có dự án bất động sản mới nào được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, đã có một số dự án mới đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, một số dự án cũng bắt đầu tái khởi động sau khi được tháo gỡ vướng mắc. Thành phố cũng đã thực hiện cấp 3.396 giấy chứng nhận lần đầu (3.391 giấy chứng nhận cho cá nhân, 5 giấy chứng nhận cho tổ chức); đăng ký biến động 178.680 giấy chứng nhận cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố (đối với tổ chức là 2.736 giấy chứng nhận; đối với cá nhân là 175.944 giấy chứng nhận).

Liên quan đến gỡ vướng cho thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM, Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ chuẩn bị nhanh nhất các nguồn lực để thực thi các luật mới liên quan bất động sản vừa được Quốc hội thông qua. Đó là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Để đạt mục tiêu trên, ông Mãi yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát các vấn đề liên quan thẩm quyền để đề xuất giải quyết ngay, đảm bảo TPHCM không bị động hay vướng trách nhiệm pháp lý khi các luật đi vào hiệu lực từ ngày 1/8 tới.

Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, xin ý kiến Tổ công tác 1435 của Chính phủ về rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung phân nhóm, giải quyết các kiến nghị. Nhóm 1 - ưu tiên, tập trung tháo gỡ đối với thủ tục đầu tư (64 kiến nghị). Nhóm 2, 3 - theo dõi việc thực hiện và tiếp tục xử lý khi có kết luận/bản án có hiệu lực pháp luật (43 kiến nghị).

Nhóm 4 - chủ đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện dự án (52 kiến nghị). Nhóm 5 - nhóm đặc thù về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết (30 kiến nghị).

“Nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối năm của toàn hệ thống chính quyền, sở ngành, địa phương là tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc ở cả đầu tư công lẫn tư nhân, nhằm thúc đẩy tăng trưởng chung của TPHCM”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tin tưởng, thị trường bất động sản sẽ phục hồi vào cuối năm 2024. Lý do, các bộ luật liên quan đến bất động sản đã được Quốc hội xem xét, có hiệu lực sớm.

“Chính phủ cũng đang xây dựng nghị quyết thí điểm, cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thỏa thuận về nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng với đất khác, không phải đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Việc này sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hàng trăm dự án đang ách tắc. Điều này đồng nghĩa nguồn cung ra thị trường sẽ cải thiện hơn và nguồn thu từ bất động sản sẽ tốt hơn nữa trong những tháng cuối năm”, ông Châu nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.