Tham gia buổi đối thoại có 165 HS, SV tiêu biểu đến từ các trường THCS, THPT, TTGDTX và các trường TCCN, CĐ trên địa bàn thành phố.
Chúng em có ý kiến…
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến, suy nghĩ của các em về những vấn đề như: Mạng xã hội, tư vấn tâm lý, hoạt động Đoàn Hội, bạo lực học đường, việc học, thi tiếng Anh, chương trình học còn nặng, cần tăng cường công tác hướng nghiệp …
Em Trần Nguyễn Thụy Khanh - Trường THCS Lạc Hồng, quận 10 - đề xuất: Con là học sinh THPT, cũng là sinh viên năm 1 khoa Piano Học viên âm nhạc TPHCM, xin lãnh đạo giảm bớt những môn không quan trọng để có thời gian trong việc học.
Còn em Thái Minh, HS Trường THPT Phú Nhuận nêu ý kiến: “Nên thay đổi hình thức kiểm tra 15 phút với một số môn thích hợp như thuyết trình trước lớp, hình thức này rất hay có thể thực hiện kĩ năng làm việc nhóm, tranh luận”.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong lại đặt ra câu hỏi: Chúng em nghiên cứu và thực hiện nhiều đề tài đạt giải tại cuộc thi KHKT các cấp. Vậy lãnh đạo Sở có thể hỗ trợ và có những hướng đi ươm mầm cho những công trình nghiên cứu có tính thực tiễn của HS chúng em đi vào cuộc sống?
Em Nguyễn Chế Thành - Trường THPT Ngô Quyền, quận 7 - chia sẻ: Các anh chị khóa trước cũng như nhiều anh chị mà em quen biết có tâm sự khi học xong đại học, ra trường đi xin việc, nhà tuyển dụng yêu cầu cần có kinh nghiệm, là SV mới ra trường kinh nghiệm thường không có. Vì thế, em đề xuất với Sở trong 12 năm có thể có thêm một môn học để học sinh lựa chọn theo sở thích, đam mê và trải nghiệm. Đây là lý thuyết đi đôi với thực hành.
Em Phạm Duy Sơn - Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - góp ý: Bản thân em rất thích học môn Giáo dục Công dân và em nghĩ để hướng nghiệp tốt cho HS bên cạnh môn này cần có thêm một môn tự chọn. Ở môn này do các bạn HS tự đăng kí, từ đó có thể định hướng việc chọn nghề cho các bạn sau này.
Phương Thảo - Học sinh của Trường THPT Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức chia sẻ: Ở lứa tuổi THCS, THPT tâm sinh lý thay đổi rất nhiều nhưng lại ít tâm sự với bố mẹ, thầy cô. Bản thân em đề xuất lập một website để tư vấn tâm lý, giải tỏa tâm lý khi đội ngũ giáo viên tâm lý còn chưa phủ kín.
Thu Cúc - Trường THPT Hiệp Bình, quận Thủ Đức - phát biểu: Nhiều bạn cho rằng môn Lịch sử khô khan, nhưng em nghĩ môn Lịch sử là rất quan trọng và cần được đưa vào nhiều hơn để HS chúng em tìm hiểu kĩ về lịch sử nước nhà.
Hoàng Long - Trường THCS Lê Quý Đôn - Q Thủ Đức - thẳng thắn cho biết: “Chúng em mong muốn đưa dòng nhạc cũng như nhạc cụ Dân tộc vào trường học nhiều hơn. Bản thân em được giao lưu với một số bạn bè quốc tế, thấy họ rất hiều về dòng nhạc dân tộc của đất nước họ”.
Thầy Nguyễn Văn Hiếu đối thoại với các em HS |
Giải tỏa những băn khoăn về kỳ thi THPT quốc gia
Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM - chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy đây là kỳ thi rất có lợi cho các em HS, thời gian được rút ngắn chỉ còn tối đa là 4 ngày, có em chỉ có thi trong 2 - 3 ngày. Vì thế, kỳ thi có đổi mới nhưng với các em HS, tôi nghĩ không có gì mới cả.
Tại TPHCM có 8 cụm thi rải đều các địa bàn quận huyện trên TP nên các em HS ở TPHCM có thuận lợi hơn các bạn tỉnh khác đó là thi tại vì vậy các em không phải di chuyển nhiều.
Về cấu trúc đề thi, các em vẫn ôn tập bình thường, các kiến thức cơ bản, chuẩn kiến thức để thi THPT quốc gia, còn các em khá hơn thì vẫn ôn tập để thi ĐH, CĐ như trước đây. Tức là đề thi sẽ tổ hợp hai phần các em học.
Học sinh yên tâm bởi đề thi không khác nhiều so với các năm trước. Vì thế các em và thầy cô dưới sự hướng dẫn của Sở sẽ vẫn ôn tập như bình thường. Bộ không có cấu trúc đề thi nhưng có ma trận đề thi.
Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng sẽ vẫn giữ các khối thi truyền thống, vì thế học sinh cần ôn tập và chuẩn bị kỹ lưỡng để thi tốt.
Đừng quá nặng nề rằng học tiếng Anh chỉ để thi
Liên quan đến một số câu hỏi đặt ra của các em về học và thi môn tiếng Anh, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó GĐ Sở GD&ĐT - khẳng định: “Các em học tiếng Anh là để rèn luyện năng lực, có khả năng giao tiếp, nghe nói thành thạo. Về việc thi là tổ chức cho cả nước vì vậy đây là phương án chung. Các em đang quá nặng nề việc học để thi”.
Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Sơn cũng thừa nhận, việc dạy tiếng Anh vẫn còn một số khó khăn khi chưa triển khai đều khắp đến 100% HS… Vì vậy, nhiều trường và HS còn chịu thiệt thòi. Sở sẽ có hướng khắc phục trong thời gian tới, để các em có điều kiện học tốt hơn.
Sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát chương trình học tại các trường
Về phản ảnh của học sinh cho rằng chương trình học ở bậc THCS quá nặng, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Chương trình ở THCS theo chúng tôi là vừa sức với lứa tuổi các em. Quan trọng là thầy cô truyền đạt như thế nào.
Về phía Sở GD&ĐT, chúng tôi đã có những văn bản chỉ đạo yêu cầu các tổ bộ môn thiết kế chương trình; không bắt buộc các GV dạy hết tất cả các bài trong chương trình SGK, mà có thể có những bài, những tiết giao cho HS tự nghiên cứu. Còn nội dung quan trọng thì thầy cô vẫn phải đảm bảo.
Từ ý kiến của các em, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại vấn đề này ở các trường”.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM ghi nhận các ý kiến chia sẻ và đóng góp từ các HS, trong đó có nhiều ý kiến rất cụ thể và thiết thực sẽ hỗ trợ cho lãnh đạo ngành định hướng công việc, chỉ đạo sát hơn.
Hiện nay, một số trường học ở TP đã bắt đầu tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường và HS. Sở sẽ có định hướng để làm sao tất cả 24 quận huyện đều tổ chức các buổi đối thoại với HS để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các em HS.