Đáng quan tâm nhất là chuyện học hành của con em, có em ở lại quê với ông bà nhưng có em phải theo cha mẹ mưu sinh nơi xứ người.
Bỏ ruộng đồng ra đi, dở dang việc học
Thanh niên trai tráng kéo nhau đi các thành phố, khu công nghiệp kiếm việc làm, bỏ lại những làng quê hiu quạnh, chỉ còn lại người già và trẻ em. Hệ lụy dễ thấy nhất là con cái học hành dở dang, cha mẹ đau ốm không ai chăm sóc, thiếu hụt lao động khi vào mùa vụ… Mở cửa ra đón tôi với cái chân đi cà nhắc, bà Trần Thị Kim Cương (65 tuổi, ở xã Tân Thạnh, An Minh, Kiên Giang) than: “Ở nhà một mình buồn quá chú ơi, không biết đến bao giờ tụi nó mới về!”.
Bà Cương vừa phải đi Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh châm cứu hơn một tuần vì bệnh thấp khớp, chân tay đau nhức không vận động được. Vậy mà mới bớt đau bà đã phải vội vã xin về để giữ nhà, do con cái đã đi làm ăn xa hết. Những năm trước thời tiết không thuận lợi những cũng có cái để ăn, để bán. Nhưng năm nay thì trắng tay: Lúa thất mùa vì nhiễm mặn, tôm chết vì nắng nóng. Vì vậy, con cái, dâu rể của bà buộc phải xin đi làm công nhân hết. Đứa cháu lớn của bà mới 15 tuổi bố mẹ cho nghỉ học đi phụ giúp việc nhà cho người quen, tháng được 2 triệu đồng. Còn mấy đứa nhỏ thì mang theo luôn, chẳng biết lên đó học hành thế nào?
Cha mẹ bỏ đi kiếm kế mưu sinh, việc học hành của con cái bị ảnh hưởng không nhỏ. Ghé Trường THPT Nguyễn Văn Xiện (huyện An Minh, Kiên Giang), hỏi thăm về tình hình học sinh bỏ học, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng, cho biết: “Năm nay tình hình học sinh bỏ học cao hơn hẳn mấy năm trước, kết thúc học kỳ I, toàn trường đã có gần 50/1.038 em (hơn 4,5%). Đối tượng bỏ học chủ yếu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bỏ đi làm ăn xa với cha mẹ hoặc không có người kèm cặp dẫn đến học yếu, không theo kịp chương trình…”.
Trường THPT Nguyễn Văn Xiện gồm học sinh cấp II và III, trong đó bỏ học nhiều nhất là hai khối lớp đầu cấp (lớp 6 và lớp 10). Theo thầy Tùng, nhà trường cũng cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ cho những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng khó giữ được các em ở lại lớp nếu cha mẹ bỏ đi làm ăn xa, nhất là những em có thể lao động được.
Còn gia đình anh chị Thạch Sóc Kha (xã Lịch Hội Thượng, Trần Đề, Sóc Trăng) cũng vì thất bát mùa màng mà phải rời xa quê hương. Đắng lòng hơn, anh đã phải cho người con trai lớn đang học lớp 11 nghỉ học theo mình mưu sinh. Còn ông bà Kim Xai dù đã già rồi, nhưng vẫn phải cưu mang đứa cháu Thạch Hồng Nhi đang học lớp 7. Trao đổi với chúng tôi, em Hồng Nhi tỏ rõ nỗi nhớ gia đình, nhưng em lại không muốn ba mẹ về thăm mình. “Em nhớ cha mẹ lắm, nhưng em chỉ nói chuyện qua điện thoại thôi. Em không cần gặp ba mẹ, ba mẹ đi làm để có tiền nuôi em đi học. Em rất thích đi học, em sợ bị nghỉ học như anh em lắm!”, Hồng Nhi nói. Ngồi nghe em tâm sự, tôi cảm nhận rằng dường như em già trước tuổi, khi có thể thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình. Nghe những lời đáy lòng của Nhi, khiến tôi ngẫm tới đây số phận những đứa trẻ này sẽ đi đến đâu.
Theo thống kê của xã Lịch Hội Thượng, toàn xã hiện có tổng cộng có 71 em phải nghỉ học để theo cha mẹ đi làm xa sau đợt mất mùa vừa qua. Cụ thể, có 17 em đang học trung học cơ sở; 36 em học tiểu học và 17 em học mẫu giáo đã tạm thời bỏ dở tương lai!
Cần “giữ chân” người lao động
Ông Lâm Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề đồng ý với chúng tôi về thực trạng thời gian gần đây người dân rời xứ đi làm ăn xa nhiều hơn và cho biết: Phần lớn trong số họ tới mùa vụ sẽ lại về phụ giúp gia đình canh tác. Thực trạng trên đã diễn ra từ lâu, nhưng năm nay tình trạng này có phần nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Bé đang tỏ ra lo ngại về khả năng, tương lai địa phương có thể thiếu lực lương lao động nông thôn. “Hiện nay, sản xuất đã cơ giới hóa nên không cần nhiều lực lượng lao động chân tay, nhưng làm lúa vẫn có những công đoạn cần tới sức người mà máy móc hay người già yếu không thể làm được. Vì vậy, chúng tôi cũng đang lo lắng rằng thực trạng này sẽ gây ra thiết hụt lao động tại nông thôn, ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương” - ông Bé nói.
Liệu việc rời bỏ miền quê nhiều như vậy, có thể gây ra việc bỏ không ruộng đất? Ông Bé khẳng định, ruộng đất tại địa phương sẽ không thể bị bỏ không, vì thực tế đất vẫn sinh lợi cho bà con. Nói về những hệ lụy đang hiện hữu như: Người già, trẻ nhỏ không ai chăm sóc; học sinh có nguy cơ phải nghỉ học sớm. Ông Bé cho biết: Chúng tôi cũng rất lưu tâm đến vấn đề này, huyện đã chỉ đạo bộ phận chuyên ngành thống kê lại số liệu cụ thể nhằm nắm bắt sát hơn và đang triển khai nhiều giải pháp để giữ chân người dân, tạo sự ổn định để phát triển…
Nhiệm vụ trước mắt là phải có chính sách hỗ trợ cho bà con ở những vùng bị ngập mặn. Đối với tình trạng HS bỏ học, nhà trường và xã hội phải tạo mọi điều kiện để các em được đến trường. Phải huy động sự chung tay của các tổ chức chính trị cũng như mọi nguồn lực mới có thể khắc phục được những hậu quả nặng nề do ngập mặn gây ra.