TPHCM: Gần 19 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động

TPHCM: Gần 19 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động

Theo dự đoán của giới tài chính, nếu dịch Covid-19 kéo dài, các nước chưa mở cửa trở lại thì số lượng DN giải thể còn tăng.

Phần lớn DN ngừng hoạt động thuộc kinh tế tư nhân

Theo số liệu của Cục Thuế TPHCM mới công bố, trong 6 tháng đầu năm có đến 18.743 DN tại TPHCM ngừng hoạt động, trong đó có 3.491 DN giải thể, 7.193 DN tạm ngưng hoạt động và 3.397 trường hợp DN bỏ địa chỉ kinh doanh... Các DN ngừng hoạt động tập trung nhiều nhất khu vực Q.1 và Q.Tân Bình.

Phần lớn các doanh nghiệp ngừng hoạt động thuộc thành phần kinh tế tư nhân (chiếm đến 98,15%), trong đó số DN đã hoạt động từ 3 - 9 năm chiếm đến hơn một nửa. Ở khía cạnh ngành nghề thì những DN buôn bán lẻ bị tác động nhiều nhất, chiếm đến hơn 38%, tiếp đến là các DN hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, số liệu của Cục Thuế TPHCM cũng cho thấy, số DN ra đời khá cao, xấp xỉ với số DN phải ngừng hoạt động. Trong số các DN mới thành lập có 8 DN có số vốn đăng ký lớn, trên 50 tỉ, 2.878 DN tái hoạt động, 166 DN từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến.

Một điểm đáng lưu ý, các DN mới thành lập hoạt động nhiều nhất cũng là ở ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 36%), kế đến là kinh doanh bất động sản, khoa học công nghệ, tập trung nhiều nhất ở địa bàn quận 1 và quận 7.

Theo Cục Thống kê, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng TPHCM vẫn có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm và linh kiện điện tử đạt 8,2 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ. Tiếp đến là hàng dệt may, giày dép cũng kịp góp mặt trong top 5 nhóm hàng tỷ USD, lần lượt đạt 2,1 và 1,1 tỷ USD.

Theo lý giải của ông Nguyễn Thanh Bình - Quyền Trưởng phòng Thương mại Cục Thống kê TPHCM, nguyên nhân hàng điện tử tăng trưởng vượt bậc do các đơn vị này thường có đơn đặt hàng trước đó nên dù xảy ra dịch bệnh thì việc sản xuất vẫn ổn định.

"Có một trường hợp đột biến là các tháng 2, 3, 4, một số nhà máy sản xuất của Trung Quốc ngưng hoạt động nên các đơn hàng chuyển sang Việt Nam, trong đó có TPHCM. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị trước thì xuất khẩu ngành điện tử sẽ còn cao hơn mức 34,1%" – ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Điều tra về tình hình DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh, Cục Thống kê TPHCM khảo sát 16.300 DN trên địa bàn, trong đó hơn 85,6% DN bị ảnh hưởng. Đặc biệt, DN có quy mô càng lớn, mức độ tác động càng nhiều.

Một lãnh đạo Cục Thống kê TPHCM cho rằng: "Khi đã sa thải quá nhiều lao động, nếu thị trường mở cửa trở lại, có đơn hàng sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Còn trường hợp các nước vẫn tiếp tục đóng cửa thị trường, thì số lượng DN tại TPHCM giải thể còn tăng".

Doanh nghiệp cho thuê bất động sản ế ẩm

Theo các chuyên gia tài chính, dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến hoạt động cho thuê bất động sản (BĐS) từ văn phòng, căn hộ, trung tâm thương mại cho đến cửa hàng kinh doanh... trên địa bàn TPHCM.

Cuối năm 2019, giá thuê văn phòng tại TPHCM cao nhất thập kỷ. Cụ thể, giá thuê tăng 7,4% theo năm và tăng 1,1% theo quý, đạt mức cao kỷ lục với 29,1 USD/m2. Nguyên nhân được chỉ ra do nhu cầu về thị trường văn phòng tại TPHCM tăng mạnh, trong khi nguồn cung mới hạn chế nên các chủ nhà thường đề xuất giá chào thuê khá cao. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, ngoài phần diện tích cho thuê ổn định từ trước đó thì các dự án mới tung hàng đều gặp khó do nguồn cầu giảm sút khá lớn.

Bên cạnh đó, thị trường căn hộ cũng "điêu đứng" vì tác động của dịch bệnh. Chị Trần Thy Thơ (Q.7, TPHCM) cho biết đã rao cho thuê căn hộ 65m2 ở một chung cư ở Q.7 với giá 12 triệu đồng/tháng, giảm 2 triệu đồng so với trước đây, thế nhưng gần 2 tháng nay không ai hỏi thuê.

Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, những năm trước đây, lợi tức cho thuê căn hộ khoảng 6% - 7%/năm, còn hiện nay lợi tức chỉ còn 4,5% - 5%. Tính ra không bằng gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong khi đó chủ nhà phải trừ đi thuế, phí môi giới, chi phí sửa chữa, tỷ lệ bỏ trống bình quân 10% - 15% mỗi năm… khoản khấu hao này làm cho suất đầu tư căn hộ cho thuê không còn hấp dẫn trong bối cảnh nguồn cung tăng liên tục.

Theo các chuyên gia BĐS, nguyên nhân của việc căn hộ cho thuê rớt giá là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều chung cư hạn chế cho khách thuê ở dài hạn lẫn ngắn hạn. Thứ hai là do thị trường căn hộ cho thuê đang chịu sức ép cạnh tranh từ các dự án mới bàn giao nhà. Trong năm 2020, TPHCM có khoảng 40.000 căn hộ bàn giao, trong đó có nhiều căn hộ cao cấp cho thuê. Do đó, biên lợi nhuận giảm nên kênh đầu tư cho thuê không còn hấp dẫn với nhà đầu tư.

"Thời gian qua, nhiều khách thuê kinh doanh nhà hàng sau khi cân nhắc về doanh thu và chi phí vận hành đã phải quyết định dừng kinh doanh và trả mặt bằng khi hết hợp đồng, trong khi một số vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh giữ chỗ thì hoặc tạm dừng hoạt động hoặc thương thảo với chủ nhà để giảm giá thuê" - bà Võ Thị Khánh Trang (Công ty Savills TPHCM) nhận định.

Theo kết quả khảo sát nhanh về thị trường BĐS cho thuê ở TPHCM trên các chợ trực tuyến của kênh thông tin batdongsan.com.vn vừa công bố, tình trạng giảm giá rất đột ngột. Cụ thể, giá cho thuê chung cư giảm 5%, còn giá cho thuê nhà riêng giảm 6% từ sau Tết đến nay. 

Mức giá cho thuê nhà mặt phố tại Q.Bình Thạnh giảm 8%, nhà mặt phố Q.2 giảm 27%, tại Q.10 giảm 8% so với cuối năm 2019 trên các chợ BĐS online. Theo đơn vị này, tình trạng giảm giá thuê do tác động của Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến nguồn cầu thuê các loại tài sản này sụt giảm ngắn hạn hoặc bị gián đoạn đột ngột.

Theo bà Bùi Nguyễn Huyền Trang (Giám đốc Thị trường Việt Nam của Công ty JLL Việt Nam), dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường nên còn sớm để đưa ra kết luận về tác động ngắn hạn và trung hạn của dịch bệnh tới thị trường BĐS cho thuê. Tuy nhiên, bà Trang cho rằng, DN cần phải tính đến phương án yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà hoặc không gian khác. Tình hình hiện tại có thể ảnh hưởng đến sự năng động của một số ngành công nghiệp, dẫn đến việc trì hoãn các kế hoạch chuyển đổi và mở rộng văn phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ