Đề thi học sinh giỏi môn Văn tại TP.HCM: Tính giáo dục cao

GD&TĐ -Ngày 5/3, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức kì thi học sinh giỏi dành cho học sinh lớp 12 trên địa bàn TP. Trong đó, đề thi Ngữ văn được nhiều thầy cô nhận xét "đề hay, có tính giáo dục cao và đậm chất văn". 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, ở phần nghị luận xã hội (câu 1) đề đặt ra câu hỏi:

Tập thơ "Có người sực tỉnh cơn mơ…", nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân trải lòng: 

Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại

Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông

Rồi đến lúc chẳng còn nhiều lựa chọn

 Đành yên lòng chấp nhận chuyện sai hơn. 

Từ đó đề yêu cầu thí sinh: “Hãy viết về một bài học cuộc sống mà anh/chị rút ra được từ bài thơ trên”.

Có thể thấy, từ những trải lòng của nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân đã nói lên thực trạng và cũng là lời cảnh tỉnh về sự nông nổi của người trẻ được đưa vào đề thi Văn nhận được những lời khen của giáo viên.

Theo thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, đánh giá, dữ liệu của đề là những câu thơ của nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân - người đang được giới trẻ hâm mộ với nhiều tập truyện, thơ rất hay cho thấy được tính thời đại của nó. Việc lựa chọn vấn đề đề cập trong đề thi rất thiết thực và có cảm xúc, qua đó khơi gợi cảm hứng cho các thí sinh.

Đó chính là vấn đề rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang mắc phải: Nhiều người trẻ cho rằng mình còn trẻ, mình còn nhiều thời gian, còn sức khỏe thì cho mình quyền được phép mắc sai lầm, cho phép mình có tư tưởng “phá đi làm lại”.

Từ đó, dẫn đến việc không có suy nghĩ chín chắn, nóng vội, bồng bột, thiếu trách nhiệm với tương lai của chính mình và với người khác. Ngoài ra đề cũng rất gợi mở để HS thể hiện quan điểm, tư duy phản biện của mình. “Với tôi đây là câu hỏi rất hay, tính giáo dục cao và gợi mở cho học sinh nhiều điều", thầy Đức Anh nhấn mạnh.

Đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn Ngữ văn tại TP.HCM
 Đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn Ngữ văn tại TP.HCM

Tương tự, ở câu nghị luận văn học (câu 2) đưa câu bình của tác giả Huỳnh Như Phương: "Đọc văn là một cách để con người mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác thông qua những mối tương giao tinh thần với nhân loại". 

Từ đó, đề yêu cầu thí sinh trình bày cách hiểu của mình về "mở rộng chiều kích tồn tại của mình, sống thêm nhiều cuộc đời khác" bằng những trải nghiệm đọc các tác phẩm văn học".

Câu hỏi này cũng nhận được nhiều đánh giá cao về chọn dữ liệu có chiều sâu về văn học, phù hợp với kỳ thi học sinh giỏi. “Câu nghị luận văn học không trói buộc vào một tác phẩm cụ thể, tạo điều kiện để học sinh phá cách, bùng phát và khai phóng cảm xúc trong diễn đạt và lập luận”, cô Hoài Thu, giáo viên Ngữ văn của một trường tư thục đánh giá.

Được biết, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Thiên Ngân tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cô hiện được giới trẻ rất hâm mộ và nổi tiếng với các tập truyện như: Những phố dài ướt mưa; Hai chiếc xe khóa chặt vào nhau; Cặp vòng mây; Ngôi nhà mặt trời… và các tập thơ Mình phải sống như mùa hè năm ấy; Có người sực tỉnh cơn mơ…

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân chia sẻ cảm xúc trên trang cá nhân khi biết những câu thơ của mình được chọn làm dữ liệu trong đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn Ngữ văn
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thiên Ngân chia sẻ cảm xúc trên trang cá nhân khi biết những câu thơ của mình được chọn làm dữ liệu trong đề thi học sinh giỏi lớp 12 môn Ngữ văn  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ