TPHCM chính thức công bố dịch sởi

GD&TĐ -Trước bối cảnh ca sởi tăng nhanh, có 3 trẻ tử vong, TPHCM chính thức công bố dịch sởi.

TPHCM chính thức công bố dịch sởi

Ngày 27/8, UBND TPHCM chính thức công bố dịch sởi trên toàn thành phố.

Theo quyết định của UBND TPHCM, thời gian xảy ra dịch tháng 8/2024 với quy mô toàn thành phố, nguyên nhân do vi rút sởi gây ra.

Về tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B, người có nguy cơ mắc bệnh là người chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ.

Bệnh có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí có thể tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách.

UBND TPHCM giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai các biện pháp, phòng chống dịch.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị gửi UBND TPHCM công bố dịch sởi trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh, có 3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong.

1000093088.jpg
TPHCM chính thức công bố dịch sởi.

Từ năm 2021 đến năm 2023, TPHCM chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi.

Trong khi đó, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến nay là 525 ca, cụ thể có 209 ca dương tính (39,8%), 164 ca không lấy mẫu (31,2%), 2 ca có kết quả xét nghiệm không xác định (0,4%), 23 ca chưa có kết quả (4,4%) và 127 ca âm tính (24,2%) và 3 ca tử vong.

Lý giải nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, đơn vị này lý giải do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020-2021.

Bên cạnh đó, do tình trạng gián đoạn cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2022-2023 ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ bao phủ vắc xin tiêm chủng mở rộng và vắc xin sởi của các tỉnh phía Nam, trong đó có TPHCM.

Để nhanh chóng lấp khoảng trống tiêm vắc xin cho trẻ năm 2024, TP đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ đồng loạt ở tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố nhằm tăng độ bao phủ vắc xin.

Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm quy định về việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, trong đó có bệnh sởi thì một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên.Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ