3 trẻ mắc bệnh sởi tử vong, Sở Y tế TPHCM kiến nghị công bố dịch sởi

GD&TĐ -3 trẻ mắc bệnh sởi từ tháng 6/2024 đã tử vong, Sở Y tế TPHCM kiến nghị UBND TPHCM công bố dịch sởi.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TPHCM.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TPHCM.

Trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh sởi trên địa bàn TPHCM và các tỉnh, Sở Y tế, ghi nhận có 3 ca tử vong rải rác từ tháng 6/2024 đến nay, ngành y tế TPHCM chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong.

116 ca xét nghiệm dương tính, 3 ca tử vong

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), số ca mắc bệnh sởi bắt đầu tăng từ cuối tháng 5 đến nay và tuần gần nhất đã có đến 60 ca sốt phát ban nghi mắc sởi/tuần. Trong đó, 3 ca đã tử vong đều mắc những bệnh lý mạn tính, mặc dù được điều trị tích cực nhưng vẫn biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi.

Cụ thể, trường hợp đầu tiên là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch thể giảm kháng thể, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng; chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi.

Trường hợp tiếp theo là bé gái 4 tháng tuổi, bị hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng vắc-xin sởi.

Trường hợp cuối cùng là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vắc-xin sởi.

bb74a49eb88a1cd4459b (1).jpg
Bệnh sởi nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây nhiều biến chứng cho trẻ.

Theo báo cáo từ các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 4/8, có 505 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó, 262 ca xét nghiệm dương tính, hơn 50% là các ca bệnh ở tỉnh thành khác đến khám và điều trị tại thành phố.

Riêng TPHCM, có 201 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 116 ca xét nghiệm dương tính; 3 quận huyện có số ca sởi cao nhất trong TPHCM là huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân.

Trong 116 ca xác định có 27,6% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, 78,4% là trẻ dưới 5 tuổi. Số bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi chiếm đến 66% và có đến 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm, gây dịch lây qua đường hô hấp do vi rút sởi gây ra.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong.

Chủ động ứng phó dịch bệnh sởi, tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin

Trước tình hình này, Sở Y tế TPHCM tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh Sởi và triển khai tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia đến từ Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ, các chuyên gia về Y tế công cộng của TPHCM.

Thực tế, ai cũng có thể mắc bệnh sởi, tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Đối tượng đầu tiên của bệnh sởi là những trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc không được tiêm chủng.

Bệnh sởi chỉ được kiểm soát khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt 95% với 2 liều vắc-xin.

Đại diện HCDC khuyến cáo, phụ huynh phải con em đến cơ sở y tế tiêm đủ hai mũi sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ. Theo đó, mũi 1 tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vắc-xin sởi); mũi 2, tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vắc xin sởi - rubella).

Bên cạnh đó, cần liên hệ với trạm y tế nơi trẻ đang ở để biết lịch tiêm phòng các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi nói riêng và các vắc-xin khác trong chương trình hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy.

“Chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo khuyến cáo của các chuyên gia là việc cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch sởi, tuy nhiên, loại trừ các trẻ đã tiêm <1 tháng”, vị đại diện này cho hay.

e2c7fe29e23d46631f2c (1).jpg
Đối tượng có khả năng cao mắc bệnh sởi là trẻ từ 1 - 5 tuổi, nhất là những trường hợp chưa được tiêm vắc-xin ngừa sởi.

Đồng thời, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả mạng lưới giám sát ca bệnh, hoạt động tiêm chủng và truyền thông phòng chống dịch bệnh; các bệnh viện thực hiện nghiêm túc các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện; đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc điều trị, dịch truyền, thiết bị…phục vụ công tác thu dung điều trị người bệnh.

“Giao các bệnh viện đang quản lý bệnh nhân rà soát tiền sử tiêm chủng đối với các bệnh nhân có bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý nền; tổ chức tiêm vắc-xin tại bệnh viện cho những bệnh nhi có đủ điều kiện tiêm chủng và tư vấn tiêm chủng cho người nhà của những bệnh nhi không đủ điều kiện”, Sở Y tế nhấn mạnh.

Sở Y tế TPHCM kêu gọi mỗi gia đình có trẻ em hãy đưa trẻ đi tiêm chủng theo các thông báo của y tế địa phương đang cư ngụ; những người sống chung với bệnh nhân mắc bệnh nền nên tiêm chủng phòng bệnh để góp phần bảo vệ người thân của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ