TPHCM: Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án liên quan Út “trọc”

GD&TĐ - Do lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, dự án tuyến đường nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TPHCM - Trung Lương 6 năm qua chưa thể hoàn thành.

Dự án BOT đoạn nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương đang bị ngưng trệ.
Dự án BOT đoạn nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương đang bị ngưng trệ.

UBND TPHCM có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT này.

Họp nhiều lần nhưng chưa khắc phục hoàn toàn

Liên quan dự án xây dựng tuyến đường nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TPHCM - Trung Lương, mới đây, UBND TPHCM đã giao Sở KH&ĐT phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất thủ tục chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dự án tuyến đường nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TPHCM - Trung Lương (H.Bình Chánh, TPHCM) theo đúng quy định. Sở GTVT TPHCM làm việc với Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Công ty TNHH BOT TPHCM - Trung Lương và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt về các thủ tục liên quan việc chấm dứt hợp đồng.

Được biết, dự án xây dựng tuyến đường nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TPHCM - Trung Lương được đầu tư theo hình thức BOT, do UBND TPHCM chỉ định Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nay là Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh) làm nhà đầu tư vào năm 2016. Tuy nhiên, vì thẩm định lỏng lẻo nên “để lọt” nhà đầu tư yếu kém năng lực.

Nhà đầu tư không có năng lực nhưng vẫn được chỉ định thực hiện và được ngân hàng tài trợ vốn vay để làm dự án giao thông hơn 1.500 tỷ đồng. Do đó, 6 năm qua, dù chỉ có 2,7 km nhưng dự án này vẫn chưa thể hoàn thành trong khi lãnh đạo chủ chốt của nhà đầu tư đang dính vòng lao lý trong vụ án liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út trọc).

Phía Sở GTVT TPHCM thông tin đã nhiều lần tổ chức cuộc họp trao đổi, hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư và doanh nghiệp thực hiện khắc phục các vi phạm hợp đồng nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn.

Cụ thể, nhà đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các văn bản thỏa thuận, cam kết và pháp lý liên quan đến việc chứng minh nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay để đảm bảo thực hiện hợp đồng.

Đồng thời, phía Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cũng có văn bản nêu ý kiến không tiếp tục tài trợ vốn vay cho doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH BOT TPHCM - Trung Lương do doanh nghiệp này và nhà đầu tư đã vi phạm hợp đồng tín dụng, công tác thi công đình trệ, kéo dài ảnh hưởng đến phương án tài chính, nguồn thu trả nợ ngân hàng.

Vi phạm hợp đồng

Theo diễn tiến vụ việc, vào tháng 3/2015, trong cuộc họp với các sở, ngành thành phố và Công ty Yên Khánh, Phó Chủ tịch UBND TPHCM thời điểm này là ông Nguyễn Hữu Tín (hiện là bị cáo trong vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ) đã thống nhất đề xuất của Công ty Yên Khánh làm dự án đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TPHCM - Trung Lương theo hình thức BOT.

Trên cơ sở đề xuất của UBND TPHCM, ngày 27/4/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Văn bản số 591/TTg-KTN đồng ý nguyên tắc cho UBND TPHCM thực hiện dự án theo hợp đồng BOT, nhưng đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, phù hợp với Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

UBND TPHCM căn cứ vào tính cấp bách của dự án, quyết định áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo thẩm quyền và chỉ đạo thực hiện theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đúng quy định hiện hành như chỉ đạo của Chính phủ thì một số đơn vị thuộc UBND TPHCM lại thẩm định lỏng lẻo để rồi đề xuất nhà đầu tư yếu kém.

Theo đó, ngày 25/6/2016, phía UBND TPHCM (đại diện bởi ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM) và Công ty Yên Khánh (đại diện bởi bà Vũ Thị Hoan - Giám đốc công ty) ký hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND dự án đoạn tuyến nối đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Địa điểm xây dựng dự án tại huyện Bình Chánh, TPHCM, với thời gian xây dựng 20 tháng kể từ ngày khởi công. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng) là hơn 1.557 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 14,8% và số còn lại là đi vay.

Đồng thời, việc bồi thường giải phóng mặt bằng được tách thành dự án riêng, sử dụng ngân sách TPHCM do Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh thực hiện. Để thu hồi vốn, nhà đầu tư được quyền xây dựng một trạm thu phí trên tuyến đường hoàn thành để thu phí trong vòng 17 năm 8 tháng.

Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017, nhưng thực tế đến tháng 4/2020 mới thi công được khoảng 12% và đang ngưng trệ. Cụ thể, dự án khởi công vào tháng 6/2016 thì đúng 2 năm sau (tháng 6/2018) ngừng thi công... Do vi phạm hợp đồng, nên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã ký Văn bản chấp thuận đề nghị của Sở GTVT TPHCM về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án nói trên.

Liên quan việc xử lý vi phạm hợp đồng BOT, phía Sở GTVT TPHCM cho rằng, đây là trường hợp chưa có tiền lệ tại TPHCM, liên quan đến nhiều lĩnh vực về tư pháp, tài chính, đầu tư. Bên cạnh đó, chưa kể mức độ phức tạp có thể xảy ra trong quá trình xử lý, tiếp nhận dự án, chấm dứt hợp đồng, xử lý trách nhiệm các cơ quan chức năng liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Trong khi, Công ty Yên Khánh do ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út “trọc”) thành lập, đưa cháu gái là bà Vũ Thị Hoan (36 tuổi) làm Tổng Giám đốc. Cả hai người này đã bị án tù, trong đó Út “trọc” bị tuyên phạt án chung thân, còn bà Hoan lãnh 14 năm tù vì sai phạm trong 2 vụ án khác nhau

Dự án BOT đoạn nối đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương đang bị ngưng trệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.