Khổ sở vì ô nhiễm
Bãi rác TP Sầm Sơn nhìn từ xa như một ngọn đồi nhỏ. Lại gần, chúng tôi không thể nào chịu được bởi mùi hôi thối nồng nặc. Không chỉ môi trường không khí, mà nước rỉ từ bãi rác chảy ra xung quanh đen ngòm, đặc quánh. Đã bao năm nay, những gia đình sống ở khu vực lân cận bãi rác (thuộc phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn) phải chịu cảnh khổ sở vì môi trường bị ô nhiễm.
Bà Lê Thị Được, trú tại thôn Khanh Tiến, phường Bắc Sơn (TP Sầm Sơn), bức xúc: “Chiều 14/7, trời mưa rất to. Sáng nay, trời nắng nóng, nên nước rỉ từ bãi rác tràn ra, bốc mùi càng kinh khủng hơn. Cứ sau mỗi trận mưa như vậy, nắng nóng lên thì không ai chịu nổi. Bà con sống ở khu vực này đã có nhiều người bỏ làng mà đi, nhưng đó là những gia đình có điều kiện, chứ chúng tôi bỏ làng thì biết đi đâu”.
Ông Nguyễn Hữu Hào - một người dân sống ở phường Bắc Sơn, cho biết: “Rác thải của cả thành phố tập trung về bãi chứa này. Cả chục năm trời, môi trường nước, không khí ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng. Qua thời gian thẩm thấu xuống đất, chảy ra sông Đơ, khiến cho cả con sông đen ngòm, chẳng ai còn dám lội xuống nữa. Thậm chí, hôm nào trở trời cá lại chết nổi trắng sông”.
Anh Nguyễn Hữu Cường, ở phường Bắc Sơn chia sẻ: “Dân chúng tôi gần 10 năm nay “kêu cứu” cơ quan chức năng nhưng không được. Cực chẳng đã, vợ chồng phải thuê lên khu vực trên để ở. Thế nhưng, mùi cũng không đỡ đi là bao. Hiện nay, bố mẹ tôi vẫn phải ở đây vì không có điều kiện đi nơi khác. Ô nhiễm không khí, nguồn nước, cuộc sống khốn khổ vô cùng nhưng biết làm sao được, vì người dân kêu có thấu đâu”.
Bãi rác TP Sầm Sơn được quy hoạch cách biển khoảng chừng gần 2km và nằm cạnh sông Đơ. Con sông này chỉ dài chừng vài km. Đầu phía Nam nối ra biển tại cống Quảng Vinh, phía Bắc thông với sông Mã rồi đổ thẳng về cửa biển Lạch Hới. Chính vì bãi rác được quy hoạch nằm cạnh sông Đơ, nên nguồn nước rỉ của nó ngày đêm âm ỉ chảy thẳng ra dòng sông này. Không chỉ vậy, nước rỉ từ bãi rác còn chảy tràn ra đồng ruộng, đổ vào ao cá của người dân, gây nên sự bức bách, khổ sở cho bà con.
Đã rất nhiều lần người dân phản ánh lên chính quyền, nhưng qua nhiều thời kỳ lãnh đạo TP Sầm Sơn cũng chỉ hứa cho yên dân rằng, bãi rác sẽ được di chuyển. Tuy nhiên, khi nào di chuyển, thì chưa có lộ trình cụ thể và cũng chẳng có ai khẳng định.
|
Chưa có giải pháp căn cơ
Ngày 7/7 vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 9, khóa 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có kế hoạch mời Giám đốc Sở TN&MT để trả lời chất vấn của cử tri, trong đó có vấn đề giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, tại báo cáo mới nhất (157/BC-STNMT do ông Đào Trọng Quy - Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa ký ngày 5/7/2019), để trình bày trước HĐND tỉnh, trong phần tồn tại, hạn chế cũng như giải pháp và những đề xuất, kiến nghị không có một dòng nào động đến việc xử lý bãi rác Sầm Sơn.
Khi đăng đàn trả lời chất vấn, ông Đào Trọng Quy đã trả lời không đúng trọng tâm và bị Chủ tịch HĐND tỉnh cắt ngang đồng thời yêu cầu kiểm điểm. Vì vậy, những bức xúc của người cư tri ở TP Sầm Sơn và đặc biệt là những người dân sống gần bãi rác của thành phố du lịch biển này đành phải gác lại.
Trước đây, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cho Sầm Sơn, vào năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã từng phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác thải với tổng vốn đầu tư lên tới 26,3 tỉ đồng nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực xung quanh. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đô thị của TP Sầm Sơn quá nhanh, nên mỗi ngày vẫn đang phải tiếp nhận thêm khoảng 100 tấn rác các loại. Công nhân trung chuyển bất đắc dĩ vẫn phải đổ tràn rác ra cả đường đi nội bộ trong bãi.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn, cho biết: Lãnh đạo TP vẫn biết là bãi đã quá tải từ lâu. Thế nhưng, nếu không đưa rác về bãi này, thì không biết mang đi đâu. Trước đây, TP Sầm Sơn từng xin đưa rác lên bãi Đông Nam, huyện Đông Sơn đổ, nhưng bãi này cũng đang quá tải. Về giải pháp lâu dài, lãnh đạo TP Sầm Sơn cũng đã đặt ra, đó là lập quy hoạch một bãi rác rộng 20 ha tại xã Quảng Minh. Tuy nhiên, phương án này chưa được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đồng ý.
Còn ông Lương Tất Thắng - Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn bày tỏ quan điểm: Lãnh đạo TP không thờ ơ với câu chuyện bãi rác, mà thực sự đang bế tắc vì không có một nơi nào để đổ rác. “TP Sầm Sơn đang chờ đợi nhà máy xử lý rác thải Đông Nam đi vào hoạt động, để xin đưa lên đó xử lý, kể cả tốn tiền, thì Sầm Sơn cũng sẽ cố gắng tiết kiệm để xử lý. Thực sự, thành phố đang mong muốn có được một nhà máy xử lý rác để giải phóng bãi rác này”- ông Thắng cho hay.