TP. Hồ Chí Minh xảy ra 840 vụ phạm pháp hình sự trong quý 1/2022

GD&TĐ - Trong quý 1/2022, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra 840 vụ phạm pháp hình sự. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 281 vụ.

Chiều 21/3, TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố những ngày qua.

Liên quan đến tình hình tội phạm trộm cắp, cướp giật trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian gần đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh cho hay, thống kê trong quý 1/2022 (đến ngày 15/3), trên địa bàn thành phố xảy ra 840 vụ phạm pháp hình sự. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 281 vụ (chiếm tỉ lệ 25,07%). Công an thành phố đã tiến hành điều tra, xử lý 650 vụ (đạt 77,38%), bắt 1.183 đối tượng.

Theo Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh, nhìn chung, các loại tội phạm đều giảm, trong đó có tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản. Tuy nhiên, xảy ra một số trường hợp các đối tượng manh động, chống trả lực lượng chức năng, có hành vi gây hại cho người dân.

Để chủ động phát hiện, đeo bám và xử lý đối tượng, ông Hà cho biết công an thành phố đã tăng cường lực lượng tuần tra, mật phục tại các địa bàn là điểm nóng về mất an toàn trật tự; tăng cường yểm trợ cho công an cơ sở; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án trang bị hệ thống camera ở các cửa ngõ thành phố, các địa bàn phức tạp; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tổng hợp để đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại họp báo. Ảnh: Linh Nhi.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại họp báo. Ảnh: Linh Nhi.

Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác cao độ ở các khu vực vắng vẻ, các địa bàn mất an ninh trật tự. Khi xảy ra bị trộm cắp, cướp giật cần hô hoán to để nhận được sự hỗ trợ; ghi nhớ các thông tin về biển số xe, đặc điểm nhận dạng,… để kịp thời trình báo cơ quan công an.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ, động viên cho người dân khi tham gia công tác phòng chống tội phạm, Thượng tá Lê Mạnh Hà chia sẻ, đây là lực lượng tự nguyện tham gia giúp đỡ lực lượng công an. Hiện nay, một số quận huyện của TP. Hồ Chí Minh đã thành lập “Quỹ vì bình yên cuộc sống” để hỗ trợ cho người dân, những người bị xâm hại, tổn hại khi tham gia phòng chống tội phạm.

Bên cạnh đó, lực lượng công an  các quận, huyện cũng là đầu mối tập hợp danh sách và đề xuất khen thưởng cho người dân tham gia công tác này.

Thượng tá cho biết, Bộ Công an cũng đang xây dựng Luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, đây sẽ là cơ sở pháp lý để củng cố, kiện toàn lực lượng phối hợp cùng với lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ