Sáng 15/8, Thành ủy – HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ VN TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19” và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.
Tại TP Hồ Chí Minh đã qua 80 ngày kể từ khi phát hiện ổ dịch trong cộng đồng của đợt dịch thứ tư. Thành phố đã triển khai giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ tăng cường. Trong đó có 5 tuần siết chặt các biện pháp theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng đây là giai đoạn khó khăn chưa từng có đối với hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố.
Lãnh đạo Thành phố thấu hiểu và chia sẻ với sự khó khăn, bất tiện, thiệt thòi trong những ngày giãn cách xã hội của người dân. Trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn như vậy, lãnh đạo Thành phố ghi nhận và tri ân tất cả người dân Thành phố, những cá nhân, tổ chức đã âm thầm cống hiến, chia sẻ, sát cánh trong những ngày chống dịch vừa qua.
Ông Phan Văn Mãi nhận định tại TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh có lắng dịu đi phần nào nhưng vẫn còn rất phức tạp, số ca nhiễm vẫn còn cao; hệ thống điều trị quá tải và vận hành chưa đồng bộ; quy trình tiếp nhận và điều trị các ca bệnh có lúc, có nơi chưa kịp thời, tỷ lệ tử vong chưa giảm. Nguy cơ dịch tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn vẫn còn cao nếu chúng ta mất cảnh giác, chủ quan.
“Mặc dù chúng ta đã có những nghĩa cử an ủi phần nào những người đã mất nhưng đó cũng là điều đáng buồn. Hiện nay, nguy cơ dịch tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn vẫn còn cao nếu chúng ta mất cảnh giác” – ông Phan Văn Mãi nói.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, việc có thể “sống chung” với dịch để phát triển kinh tế - xã hội, duy trì cuộc sống bình thường khi không còn ca nhiễm cộng đồng hoặc còn rất ít với độ bao phủ vắc xin ít nhất trên 80% dân số.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9/2021 như Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra là vô cùng nặng nề, đầy thách thức nhưng đây cũng là mong muốn của cả hệ thống chính trị và người dân Thành phố.
Ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch, đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vì vậy Thành phố phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để tập trung khống chế các nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất; đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế; giảm nhanh số ca tử vong.
Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi nhấn mạnh.