TP Hồ Chí Minh lập 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà

GD&TĐ - Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã công bố danh sách và số điện thoại 312 tổ phản ứng nhanh cấp cứu F0 cách ly tại nhà ở TP.

Theo HCDC, khi F0 có triệu chứng chuyển bệnh có thể gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.

Trước đó UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức ban hành quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn.

Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của trạm y tế của phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, công an, Đoàn thanh niên...

Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, đến ngày 14/8, có 143.014 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 142.618 trường hợp mắc trong cộng đồng, 396 trường hợp nhập cảnh.

Hiện thành phố đang điều trị 32.608 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 2.182 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.671 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 35.029 người; trong đó có 11.994 trường hợp F0 mới và 23.035 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.432 người. Số trường hợp F1 đang cách ly tập trung là 3.456 người và tại nhà là 12.516 người.

Trước đó, ngày 3/8, Sở Y tế thành phố cũng đã có văn bản hướng dẫn triển khai quản lý sức khỏe người mắc Covid-19 tại nhà. Khi nhận cuộc gọi báo tình trạng F0, tổ phản ứng nhanh sẽ đánh giá nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi như khó thở, tím tái, lơ mơ... để quyết định đưa xe vận chuyển tới nhà người dân.

Trên xe có bình oxy, dụng cụ thở oxy như mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2). Trường hợp xe đã được huy động cho ca cấp cứu khác, tổ gọi 115 để được hỗ trợ.

Qua thăm khám, tổ phản ứng nhanh sẽ đánh giá nhanh tình trạng người bệnh. Nếu người bệnh chỉ số SpO2 trên 97%, không có dấu hiệu bất thường thì theo dõi sức khỏe tại nhà; SpO2 từ 95-96% kèm các triệu chứng như sốt, ho, đau họp, đau ngực... phải thở oxy qua mũi, đưa vào các cơ sở cách ly tập trung F0.

Người bệnh SpO2 dưới 94% kèm các triệu chứng nặng như thở gắng sức thì phải thở qua mặt nạ và đưa vào khu vực cấp cứu của khu cách ly tập trung F0 hoặc các bệnh viện dã chiến.

Người bệnh nguy kịch như tím tái, hôn mê, ngưng thở, tổ phản ứng nhanh sẽ cho thở oxy qua mặt nạ hoặc hồi sinh tim phổi cơ bản và vận chuyển đến bệnh viện gần nhất. Khi ấy tổ phản ứng nhanh cũng đồng thời gọi Tổ Điều phối chuyển người bệnh Covid-19 nặng thuộc Sở Y tế để hỗ trợ khẩn cấp chuyển người bệnh để tầng điều trị phù hợp.

Sau khi xử trí can thiệp điều trị xong, Trạm Y tế địa phương phải cập nhật hành động xử trí và kết quả xử trí vào phần mềm Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19 để báo cáo thông tin sức khỏe người bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ