TP Hồ Chí Minh: Nhà đầu tư bất động sản ôm nợ ngân hàng

GD&TĐ - Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) bất động sản, người mua nhà được giảm lãi vay 2%/năm.

Thị trường trầm lắng ở tất cả mọi phân khúc khiến nhà đầu tư khóc hận vì còng lưng trả lãi vay.
Thị trường trầm lắng ở tất cả mọi phân khúc khiến nhà đầu tư khóc hận vì còng lưng trả lãi vay.

Kiến nghị hỗ trợ vay mua nhà

HoREA vừa có văn bản trình Bộ Xây dựng đề nghị hỗ trợ DN bất động sản và người vay mua nhà vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, về cơ chế chính sách tín dụng, HoREA cho rằng, trong bối cảnh nhiều DN gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên xem xét hỗ trợ các DN, bao gồm giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm cho các DN bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng vay mua nhà.

Các ngân hàng thương mại được đề nghị xem xét không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản vay đến hạn. Đồng thời, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét, tạo điều kiện cho các DN, trong đó có DN bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án.

Riêng đối với người mua nhà, cần có chính sách tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký, đồng thời hỗ trợ cho vay đối với người mua nhà ở thuộc phân khúc bình dân, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.

Về chính sách thuế, HoREA đề xuất cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN.

Hiệp hội Bất động sản TP cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các DN do tác động của đại dịch, góp phần hãm đà tăng giá nhà.

Ngoài chính sách lãi suất, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất. Cụ thể, HoREA đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch, góp phần kéo giảm giá nhà.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN; xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay của đất nước vì đại dịch thì chính sách hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất vay từ các ngân hàng là điều phù hợp.

“Thực tế, Chính phủ, Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ, giảm lãi cho người vay, giúp họ vượt qua khó khăn vì đại dịch. Mức lãi suất giảm mà HoREA đề xuất khá thực tế và chỉ ảnh hưởng nhỏ một phần doanh thu của các ngân hàng. Nhưng nó sẽ giúp cho DN, người vay mua nhà giảm bớt một phần khó khăn” - ông Châu nói.

Thị trường gần như tê liệt

Dịch Covid-19 kéo dài gần 3 tháng qua gần như đã làm tê liệt hoàn toàn thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Thống kê các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản thành công 3 tháng qua từ các sàn giao dịch cho thấy sự sụt giảm rất rõ rệt.

Thanh khoản của thị trường thấp, cùng việc các ngân hàng vẫn chưa có chính sách giảm lãi vay hỗ trợ người dân khiến nhiều nhà đầu tư tay ngang, đầu tư kiểu “lướt sóng” đang khóc ròng vì phải còng lưng trả lãi.

Theo thống kê của trang batdongsan.com.vn các giao dịch từ khi TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là rất ít, chủ yếu là tìm hiểu các dự án, không nhiều giao dịch chuyển nhượng.

Thống kê của Công ty DKRA Việt Nam (một đơn vị tư vấn về bất động sản) cũng cho thấy trong quý II/2021, thị trường căn hộ toàn TP và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm nhẹ so với quý I/2021. Trong đó, nguồn cung giảm 28% và lượng tiêu thụ giảm 26%.

Nguồn cung sản phẩm mới tại TP Hồ Chí Minh giảm, các DN phải tìm kiếm cơ hội đầu tư tại nhiều tỉnh, thành ngoài TP Hồ Chí Minh, như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… nhưng hiện điểm sáng cho các dự án và giao dịch cũng gần như đóng băng khi Bình Dương đang là vùng dịch lớn thứ 2 cả nước.

Chị Trần Nguyên Hồng - một nhà đầu tư tại TP Thủ Đức cho biết, suốt từ sau Tết đến giờ chị đang phải gồng lưng trả lãi cho khoản vay ngắn hạn trên 6 tỉ đồng mà chị đang vay tại Ngân hàng TP Bank.

“Trước Tết có một dự án dân cư tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức khá tiềm năng nên tôi quyết tâm xuống tiền đầu tư 5 nền nhà phố. Vốn chỉ có hơn 4 tỉ đồng nên tôi quyết định vay ngân hàng thêm hơn 6 tỉ đồng chờ sau Tết đất nhích lên thì chuyển nhượng.

Ai ngờ từ Tết đến giờ chết đứng vì dịch, tốn không biết bao nhiêu tiền cho việc chạy quảng cáo, nhằm sớm giải phóng hàng tồn nhưng đều thất bại. Mỗi tháng đóng lời gần 60 triệu khiến tôi đang hết sức rầu” - chị Hồng cho biết.

Rơi vào tình cảnh chạy tiền lãi ngân hàng từng ngày mùa dịch như chị Hồng là trường hợp anh Nguyễn Mạnh Nguyên. Anh Nguyên cho biết, ngay sau đợt dịch thứ 3 kết thúc, anh quyết định chuyển hướng đầu tư sang căn hộ du lịch cho thuê (Condotel) vì anh tự tin thị trường này sẽ hồi phục mạnh mẽ sau lực đẩy là dịp lễ 30/4 kéo dài.

Tuy nhiên, trái ngược với tính toán của anh, ngoài việc thu được một khoản phí ở mức tương đối sau đợt lễ 30/4 thì từ đó đến nay, anh gần như không thu được bất cứ khoản nào.

“Suốt 4 tháng qua gần như 6 căn Condotel của tôi không mang lại lợi nhuận do ảnh hưởng dịch. Du khách du lịch Đà Nẵng và Nha Trang gần như rất ít nên khoản vay trên 7 tỉ đồng thiếu nguồn thanh khoản.

Suốt 3 tháng nay, tôi phải gồng mình cho khoản vay hàng chục triệu mỗi tháng mà không biết bao giờ mới có thể có nguồn thu trở lại. Hiện, tôi đã phải thế chấp chính căn nhà mình đang ở để có tiền trả lãi vay cho khoản đầu tư trên, vì ngân hàng không đồng ý giãn tiến độ vay và giảm lãi suất” - anh Nguyên cho biết.

Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, ông David Jackson -  Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, thị trường có hồi phục hay không phụ thuộc vào việc dịch Covid-19 được khống chế sớm hay muộn.

Tuy nhiên, có thể nhìn thấy giá nhà ở phân khúc bình dân và trung cấp có khả năng sẽ khó có thể tăng trong quý III/2021 vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu, bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Thêm vào đó, lượng hàng tồn kho cũng không nhiều. Riêng phân khúc căn hộ có thể sẽ giảm nhẹ do nhiều nhà đầu tư “cắt lỗ” và nhiều dự án chuẩn bị ra sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.