TP Hồ Chí Minh: Học sinh hệ 9+ mỏi mòn chờ cấp bù học phí

GD&TĐ - Theo quy định, học sinh THCS đi học nghề (hệ 9+) sẽ được miễn học phí. Tuy nhiên, năm học 2021 - 2022 sắp kết thúc, nhiều học sinh trường nghề ngoài công lập tại TPHCM vẫn chưa nhận được mức trợ cấp này.

Nhờ chính sách miễn giảm học phí đã thu hút nhiều học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng.
Nhờ chính sách miễn giảm học phí đã thu hút nhiều học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề ở các trường trung cấp, cao đẳng.

Mòn mỏi chờ “trả” học phí

Chị Nguyễn Thị Dung, trú tại quận Bình Tân, có con hiện đang học tại Trường Cao đẳng nghề tại TPHCM, chia sẻ, năm học trước, sau khi đóng học phí cho con tại trường, chị cầm hóa đơn, chứng từ đến Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Tân để nhận lại. Việc giải quyết diễn ra rất nhanh chóng. Tuy nhiên, năm học 2021 - 2022 này, mặc dù đã 3 lần chị lên đơn vị phụ trách chi trả để liên hệ nhưng vẫn chưa nhận được.

“Mặc dù đi lại nhiều lần để nhận khoản cấp bù học phí cho con, nhưng tôi chỉ nhận được câu trả lời cán bộ phụ trách là “do có nghị định mới, phải chờ có công văn và hướng dẫn của cấp trên mới có thể chi tiền được”. Bản thân cũng không hiểu sao đợt này lại lâu vậy, vì cũng sắp kết thúc năm học rồi. Hiện tại, tôi chỉ mong muốn chính quyền sớm giải quyết các vướng mắc để được nhanh chóng nhận khoản trợ cấp, chứ cứ mỗi lần đi lại để hỏi cũng khá mệt mỏi”, chị Dung nói.

Tương tự, dù đã nộp các hồ sơ, thủ tục để nhận trợ cấp học phí học kỳ I của năm học 2021 - 2022 từ tháng 10/2021, nhưng đến nay, Lê Khôi Nguyên trú tại quận Bình Tân học sinh năm thứ 2 hệ 9+ Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM vẫn chưa được giải quyết. Nguyên cho biết, đầu năm 2022 bố Nguyên cũng đã nộp hồ sơ để nhận khoản cấp bù học phí học kỳ II và cũng đã lên hỏi nhiều lần nhưng lý do Phòng LĐ-TB&XH quận đưa ra là “chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ cấp trên”. “Em đã đóng đầy đủ học phí cả hai học kỳ của năm học này là 11 triệu đồng và đã nộp biên lai và chứng từ lên đơn vị chi trả, tuy nhiên đến nay, gia đình em vẫn chỉ nhận được câu trả lời là ‘chờ’”, Nguyên cho hay.

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, hiện toàn trường có khoảng 300 học sinh hệ 9+ đến nay chưa được cấp bù học phí của năm học 2021 - 2022. Lý do mà phía đơn vị phụ trách đưa ra là vì chưa có văn bản hướng dẫn, nên chưa thể chi trả.

Thầy Lý cho hay: “Chính sách miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nhằm tăng cường công tác phân luồng, thu hút học sinh sau lớp 9 đi học nghề, đã ít nhiều giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh. Năm học này học sinh gặp phải khó khăn trong vấn đề làm thủ tục nên chưa nhận được cấp bù học phí năm học 2021 - 2022. Nhà trường cũng đã liên hệ với đơn vị chi trả, tuy nhiên phía Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Tân vẫn đang chờ hướng dẫn từ cấp trên. Vì vậy, các hồ sơ xin cấp bù học phí của những học sinh theo học nghề trong năm học 2021 -2022 vẫn chưa được giải quyết”.

Tiết học của học sinh hệ 9+ Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM.
Tiết học của học sinh hệ 9+ Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM.

Sẽ thông qua trong tháng 6?

Theo quy định, đối với việc cấp bù học phí cho học sinh hệ 9+ tại TPHCM, phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán. Học sinh đang theo học tại các trường công lập không phải đóng trước học phí. Các trường này sẽ lập danh sách, chuẩn bị thủ tục, hồ sơ theo quy định gửi lên cơ quan quản lý trực tiếp. Nhà nước sẽ cấp kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hằng năm.

Riêng đối với những trường nghề ngoài công lập, học sinh phải đóng học phí trước, sau đó trường xuất hóa đơn, cấp giấy xác nhận rồi về các phòng LĐ-TB&XH địa phương để được nhận lại.

Theo chia sẻ của ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định các mức cấp bù học phí, nhưng từng tỉnh, thành sẽ quyết định mức cụ thể. Theo đó, UBND TPHCM sẽ phải trình mức cấp bù này cho HĐND TPHCM thông qua.

“Hiện nay, phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện, TP Thủ Đức đang chờ đợi văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ, nên chưa thể chi tiền cho học sinh. Mức cấp bù học phí sẽ được xem xét thông qua trong các kỳ họp HĐND TPHCM tới đây, dự kiến là trong tháng 6/2022”, ông Sự nhấn mạnh.

Ông Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt (TPHCM), đề xuất: “Nhiều năm nay, chính sách miễn học phí, nhằm tăng cường công tác phân luồng, thu hút học sinh sau lớp 9 đi học nghề, đã ít nhiều giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh. Tuy nhiên, Nhà nước nên có cơ chế phân bổ kinh phí trên đầu người học, trên cơ sở các trường công lập hay tư thục đã lập danh sách gửi cơ quan thẩm quyền thẩm định.

Nghị định 81 đã quy định rõ ràng, các địa phương chỉ cần căn cứ vào danh sách nhà trường gửi đến để dự toán kinh phí và thực hiện. Việc này cũng giúp học sinh tiết kiệm được nhiều thời gian, không mất công đến tận phòng LĐ-TB&XH để nộp hồ sơ và chờ đợi”.

“Học sinh học hết lớp 9 nếu chuyển sang học nghề ở các trường trung cấp và cao đẳng sẽ trực thuộc sự quản lý của Sở LĐ-TB&XH TPHCM. Sở LĐ-TB&XH có thể phối hợp với Sở GD&ĐT đề ra định mức học phí, nhưng cuối cùng họ là đơn vị đề xuất UBND TPHCM để trình HĐND TP. Các đề xuất về mức học phí, cấp bù học phí của Sở GD&ĐT bao gồm từ bậc mầm non đến hết THPT và các TTGDTX trực thuộc. Còn việc đề xuất mức học phí và cấp bù học phí cho hệ 9+ sẽ do Sở LĐ-TB&XH đảm nhiệm”. - Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ