Ngày thi thứ nhất kỳ thi vào lớp 10 THPT Hà Nội diễn ra thuận lợi, an toàn

GD&TĐ - Ghi nhận ban đầu cho thấy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các biện pháp linh hoạt, kịp thời của thành phố, ngày đầu của kỳ thi diễn ra an toàn, tâm lý của thí sinh cũng như phụ huynh rất thoải mái.

Nỗ lực để kỳ thi diễn ra an toàn

Tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, 184 điểm thi trên toàn thành phố đã được chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, bảo đảm an toàn cho mọi khâu ở mức cao nhất.

Kết thúc buổi thi, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo thi các quận, huyện, thị xã, không có điểm thi nào có tình huống phát sinh mà không giải quyết được, một số trường hợp như học sinh bị sốt, đến muộn, sai địa điểm,… đều được giải quyết ngay theo các phương án đã chuẩn bị trước.

Ngay trong buổi sáng thi môn đầu tiên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã kiểm tra đột xuất điểm thi tại trường PTTH Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) và kiểm tra động viên thí sinh, cán bộ tại điểm thi trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa).

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh, thành phố và tất cả các lực lượng đang nỗ lực cao nhất để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối, đảm bảo cho các thí sinh có điều kiện tốt nhất hoàn thành kỳ thi…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao đổi với phụ huynh tại điểm chờ thi trường tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa).

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao đổi với phụ huynh tại điểm chờ thi trường tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa).

Cũng trong sáng ngày 12/6, đoàn công tác của thành phố, do đồng chí Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội dẫn đầu, đã trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị coi thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2021-2022, tại điểm thi Trường THCS Nguyên Khê (huyện Đông Anh), điểm thi Trường THPT Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) và điểm thi Trường THPT Tiền Phong (huyện Mê Linh).

Đồng chí Chử Xuân Dũng nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã có nhiều chỉ đạo sâu sát để công tác tổ chức kỳ thi diễn ra an toàn, thành công.

Về công tác chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hướng dẫn cụ thể trong công tác tổ chức kỳ thi; tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, hướng dẫn, thống nhất với cha mẹ học sinh về các biện pháp bảo đảm an toàn cho con em trong suốt thời gian dự thi...

Với sự chuẩn bị tốt như vậy và sự đồng thuận của người dân, sự chủ động, tích cực của thí sinh, thành phố tin tưởng rằng kỳ thi sẽ được tổ chức thành công và bảo đảm an toàn.

Điều chỉnh linh hoạt, đảm bảo tính nhân văn

Trước đó, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã có sự điều chỉnh để ứng phó với tình hình mới. Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất cả nước nên việc điều chỉnh cách thức tuyển sinh của thành phố được nhận định là phù hợp.

Cụ thể, nhằm bảo đảm an toàn cho thí sinh và những người tham gia, thời gian thi được rút ngắn vào 2 buổi sáng thay vì 4 buổi như kế hoạch ban đầu; thời gian làm bài mỗi môn thi cũng giảm từ 15 đến 30 phút, tùy môn. Điều này đã tạo sự yên tâm, tin tưởng của phụ huynh, đồng thời, giúp các thí sinh vững vàng trước kỳ thi.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, kết thúc 2 môn thi buổi sáng, trong số các thí sinh vắng mặt (vì nhiều lý do), có38 thí sinh vắng mặt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (1 trường hợp F0, 20 trường hợp F1, 7 trường hợp F2 và 10 thí sinh trong diện phong tỏa).

Theo đó, thí sinh thuộc diện F0, F1 được tuyển thẳng vào trường công lập đã đăng ký dự tuyển (nguyện vọng 1, 2 và 3) phù hợp với nơi cư trú của thí sinh. Nguyện vọng trúng tuyển thẳng của các thí sinh này được bổ sung ngoài chỉ tiêu đã được giao của trường. Thí sinh thuộc diện F2 sẽ áp dụng phương thức xét tuyển.

Phương thức xét tuyển được đông đảo phụ huynh và dư luận đồng tình ủng hộ bởi tính nhân văn này. Dưới góc độ phụ huynh có con tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập năm nay, chị Đỗ Thị Hằng, phụ huynh học sinh lớp 9 Trường THCS Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án đặc cách cho các con trong diện "F". Với số lượng rất nhỏ trong tổng số thí sinh dự thi, việc tuyển thẳng như vậy là phù hợp, bảo đảm tính nhân văn và công bằng.

Kiến thức cơ bản nhưng có sự phân hóa

Sau khi hoàn thành 90 phút làm bài thi môn Ngữ văn và 45 phút môn Ngoại ngữ, nhiều thí sinh có tâm trạng khá phấn khởi vì làm được bài, tự tin với số điểm dự kiến không thấp.

Theo nhận định của một số giáo viên, đề thi môn Ngữ văn và Tiếng Anh trong Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 của Hà Nội bao gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn có sự phân hóa thí sinh rõ rệt.

Thí sinh Trần Bảo Sơn (Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết, đề thi cả 2 môn Ngữ văn và Tiếng Anh khá vừa sức với em. Đề thi Ngữ văn ngắn gọn, có tính phân hóa. Đối với thí sinh Trần Bảo Sơn, thời gian làm bài cho cả 2 môn thi khá thoải mái, em hoàn thành bài khá sớm.

Còn thí sinh Đỗ Công Gia Huy (Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình) thì khá tự tin với bài làm của mình. Theo em, 2 đề có mức độ khó không cao, thậm chí Tiếng Anh khá dễ, em chỉ mất gần 20 phút để hoàn thành bài thi. Em Huy cho rằng, việc giảm bớt các câu hỏi nhỏ trong đề thi môn Ngữ văn là hợp lý trong bối cảnh học sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, cô Hoàng Thị Lộc, giáo viên (Trường THCS Ban Mai, quận Hà Đông) cho rằng, cấu trúc đề thi không thay đổi so với mọi năm vẫn gồm 2 phần: Nghị luận văn học và nghị luận xã hội, có sự thay đổi thang điểm và số lượng câu hỏi phù hợp với thời gian 90 phút. Đề thi gồm kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ cảm nhận và năng lực của học sinh, các câu hỏi rõ ràng, có sự phân hóa tốt.

Đối với môn Tiếng Anh mã đề 118, cô Nguyễn Thị Hương Quỳnh, giáo viên (Trường THCS Ban Mai quận Hà Đông) cho rằng, tuy đề thi năm nay giảm 10 câu so với dự kiến ban đầu nhưng mức độ kiến thức vẫn bám sát chương trình học và đề minh họa của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Một số giáo viên cho rằng, số lượng câu hỏi trong đề thi năm nay giảm đi, phù hợp với thời gian thi được rút ngắn. Điểm của các câu thành phần có thông tin rõ ràng, thuận tiện cho thí sinh có hướng phân bổ thời gian làm bài.

Sáng mai 13/6, thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng với hai môn còn lại là Toán và Lịch sử. Trong đó, thời gian làm bài môn Toán là 90 phút, từ 8h30 đến 10h (rút ngắn 30 phút) và môn Lịch sử, thời gian làm bài 45 phút (rút ngắn 15 phút), từ 10h30 đến 11h15. Thời gian nghỉ giữa 2 môn là 30 phút. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...