Tổng tư lệnh quân đồng minh NATO thừa nhận châu Âu tụt hậu

GD&TĐ - Đô đốc Pierre Vandier, Tổng tư lệnh quân đồng minh của NATO, cho biết châu Âu đang tụt hậu trong việc phát triển công nghệ quân sự.

Châu Âu công bố mô hình tiêm kích thế hệ thứ 6 (FCAS).
Châu Âu công bố mô hình tiêm kích thế hệ thứ 6 (FCAS).

Tờ Defense News dẫn tuyên bố của ông Pierre Vandier hôm 26 tháng 12, châu Âu không theo kịp sự phát triển của công nghệ quân sự và dành quá nhiều năm để tạo ra một hệ thống vũ khí mới, đó là lý do tại sao chúng trở nên lỗi thời khi được áp dụng.

"Ví dụ, châu Âu đang chế tạo xe tăng thế hệ tiếp theo'... Họ làm việc nhiều năm cho việc này... công bố một hợp đồng, ngành công nghiệp tiếp tục làm việc này trong một thập kỷ nữa, và cuối cùng bạn có một chiếc xe tăng mà bạn không chắc chắn có đáp ứng được mục tiêu của mình hay không vì mọi thứ đã thay đổi so với thời điểm công bố dự án.

Công nghệ mới đang không ngừng phát triển, họ đã chi rất nhiều tiền chỉ để có một nền tảng đã lỗi thời theo thiết kế, và tất cả chỉ vì thời gian dành cho việc chế tạo vũ khí đó quá dài", Đô đốc Vandier nói.

Ông nói thêm rằng thời gian phát triển công nghệ là khoảng hai đến ba năm, nhanh hơn gấp mười lần so với "hệ thống mua sắm có kiểm soát lớn ở châu Âu".

Đồng thời, ông lưu ý rằng không thể đẩy nhanh quá trình phát triển các thiết bị lớn - máy bay, xe tăng hoặc tàu - vì việc chế tạo chúng luôn mất hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển các công nghệ mới trong lĩnh vực quang điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), truyền thông và phần mềm cần được tăng lên, Vandier nói thêm.

Để thoát khỏi tình trạng trên, tạp chí hàng đầu về công nghệ của Mỹ là Wired cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) quyết định tăng cường đầu tư vào vũ khí và công nghệ quân sự với tổng số tiền lên tới 7,3 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027.

Khoản tiền này tăng vọt so với tổng số tiền đầu tư 590 triệu euro trong giai đoạn trước đó (2017-2020). Chỉ riêng trong năm nay, Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) đã phân bổ 1,1 tỷ euro để tài trợ cho 34 dự án nghiên cứu quân sự.

Những dự án này bao gồm phát triển UAV mới, từ các cảm biến tăng cường khả năng của radar đến những hệ thống chống tên lửa siêu thanh và các công nghệ phân tích hình ảnh vệ tinh.

Quá trình đấu thầu đã bắt đầu vào cuối tháng 6, cho phép nhiều tổ chức và doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ nguồn tài trợ và thực hiện các dự án trong vòng một năm tới.

Phần lớn khoản đầu tư được sử dụng để tăng cường các kênh thông tin liên lạc và trao đổi dữ liệu quân sự. Ví dụ, để ngăn chặn việc chiếm quyền điều khiển UAV, EDF đã phân bổ 25 triệu euro cho mạng 5G dành cho lĩnh vực quân sự.

Một số tiền tương tự cũng được phân bổ cho việc phát triển các vệ tinh liên lạc và 24 triệu euro để phát triển phương tiện không người lái dưới nước (UUV).

Một khoản tài trợ trị giá 45 triệu euro dành cho việc phát triển phần mềm có công nghệ AI giúp các phương tiện tự động và các trung tâm hoạt động do con người điều hành có thể tương tác hiệu quả hơn.

Châu Âu cũng đang săn lùng các loại vũ khí mới. EDF đã cung cấp 25 triệu euro dành cho việc chế tạo xe tăng thế hệ mới, 30 triệu euro cho việc tạo ra vũ khí thông minh, có độ chính xác cao và 20 triệu euro cho các giải pháp điều hướng UAV trong môi trường không ổn định.

Một khoản tiền 50 triệu euro cũng được phân bổ để tạo ra UAV mới, có khả năng tự động nhắm vào các mục tiêu khác nhau.

Ngành công nghiệp quốc phòng đang có sự tăng trưởng đặc biệt ở châu Âu. Điều này được thúc đẩy bởi cuộc chạy đua vũ trang sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra.

Một số nước châu Âu là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đẩy mạnh mua sắm thiết bị quân sự tiên tiến để tăng cường an ninh quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu của NATO về việc các nước thành viên dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng.

Việc đẩy mạnh đầu tư phát triển các vũ khí mới cho thấy châu Âu muốn tăng cường quyền tự chủ chiến lược và năng lực phòng thủ để ứng phó với các thách thức an ninh ngày càng gay gắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ